date
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KIẾM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THANH HÓA

Thách thức dinh dưỡng với sức khỏe cộng đồng

Đăng lúc: 10:57:13 23/12/2019 (GMT+7)

Việt Nam đang đối mặt sự gia tăng của nhiều bệnh không lây nhiễm có nguyên nhân chủ yếu là do chế độ dinh dưỡng không hợp lý, ăn nhiều đồ ngọt, muối, ít rau xanh, trái cây và lười vận động. Các nghiên cứu cho thấy, việc ăn ít rau và trái cây có liên quan đến 19% trường hợp ung thư dạ dày và ruột, 31% bệnh nhân thiếu máu tim cục bộ và 11% đột quỵ. Chế độ ăn nhiều muối là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ, tăng huyết áp, ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và một số bệnh tim mạch.

 

Thách thức dinh dưỡng với sức khỏe cộng đồng và cải thiện dinh dưỡng cộng đồng từ thói quen đơn giản

 

 1 tu van san pham cho KH tai showroom dinh duong TTKSBT TH.jpg

Tư vấn dinh dưỡng tại Shoưroom dinh dưỡng Trung tâm KSBT Thanh Hóa


Các thách thức
dinh dưỡng với sức khỏe cộng đồng

Dinh dưỡng không hợp lý

Việt Nam đang đối mặt sự gia tăng của nhiều bệnh không lây nhiễm có nguyên nhân chủ yếu là do chế độ dinh dưỡng không hợp lý, ăn nhiều đồ ngọt, muối, ít rau xanh, trái cây và lười vận động. Các nghiên cứu cho thấy, việc ăn ít rau và trái cây có liên quan đến 19% trường hợp ung thư dạ dày và ruột, 31% bệnh nhân thiếu máu tim cục bộ và 11% đột quỵ. Chế độ ăn nhiều muối là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ, tăng huyết áp, ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và một số bệnh tim mạch. Theo số liệu của giám sát dinh dưỡng trong nhiều năm gần đây, tỷ lệ SDD của trẻ em dưới 5 tuổi, thể nhẹ cân là 14,5%, thể thấp còi: 24,9%, thể gầy còm: 6,8% và thừa cân béo phì: 4,8%.Các nghiên cứu cho thấy có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng SDD của trẻ được cải thiện một cách chậm chạp, trong đó dinh dưỡng không hợp lý và chất lượng thực phẩm kém giữ vai trò then chốt.
Thiếu hiểu biết

Sự hạn chế hiểu biết về kiến thức dinh dưỡng, về chất lượng thực phẩm của người dân, nhất là những người sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng các dân tộc ít người ở miền núi cùng với đời sống kinh tế thấp kém do chịu ảnh hưởng của thiên tai bão lũ...đã làm gia tăng các loại bệnh tật, nhất là các biểu hiện lâm sàng về các bệnh suy dinh dưỡng, các bệnh không lây nhiễm như cao huyết áp, tim mạch, loãng xương, đái tháo đường, thậm chí cả những bệnh hiểm nghèo như ung thư...Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.

Thực phẩm kém chất lượng

Tình trạng thực phẩm chất lượng kém ngày càng nhiều do việc trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản chế biến nông sản thực phẩm không đúng quy cách, nhất là việc lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, các hóa chất độc hại không được phép sử dụng...

Sự mất dần một số cây trồng vật nuôi truyền thống do năng suất thấp nhưng sản phẩm của chúng lại có thành phần dinh dưỡng cân đối và hàm lượng cao các chất dinh dưỡng cùng với sự xuất hiện nhiều giống nhập nội có năng suất cao nhưng chất lượng kém. Điều này cũng góp phần làm giảm chất lượng thực phẩm.

Các giải pháp cải thiện dinh dưỡng cộng đồng từ thói quen đơn giản

Tăng cường ăn rau xanh, trái cây và các loại hạt

Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2017 đã chỉ ra, lượng rau trong khẩu phần tiêu thụ hàng ngày tại Việt Nam chỉ đạt khoảng 170 - 200 gram/ngày, bằng 1/2 mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Các nghiên cứu cho thấy ăn ít rau và trái cây là nguyên nhân của 19% số ung thư dạ dày ruột, 31% các bệnh thiếu máu tim cục bộ, và 11% số trường hợp đột quỵ. Việc tăng cường ăn rau xanh, trái cây và các loại hạt là cần thiết trong chế độ ăn hằng ngày đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và giảm lượng cholesterol trong máu, giúp hạn chế nguy cơ xơ vữa động mạch cũng như kiểm soát đường huyết.

Hạn chế muối, đường và chất béo

Theo các nghiên cứu, lượng muối, đường và chất béo trong khẩu phần của người Việt đang vượt mức khuyến nghị. Theo số liệu điều tra quốc gia của Bộ Y tế năm 2015, người Việt Nam ăn muối nhiều gấp 2 lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới. Ăn nhiều muối là nguy cơ của đột quỵ, tăng huyết áp, ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và một số bệnh tim mạch khác. Ngoài thói quen ăn mặn, người Việt rất thích đồ ngọt, năm 2016 Việt Nam tiêu thụ hơn 4 tỷ lít nước ngọt, gồm trà uống liền, đồ uống có ga, nước tăng lực, nước ép trái cây...

Tập thói quen đọc nhãn sản phẩm để kiểm soát dinh dưỡng tiêu thụ

35% tổng mức chi tiêu hằng tháng của các gia đình Việt dành cho tiêu dùng các sản phẩm thực phẩm, đồ uống chế biến sẵn. Mặc dù có mức tiêu thụ khá lớn đối với các sản phẩm đóng gói, nhưng trên thực tế người tiêu dùng hiểu rất ít về hàm lượng dinh dưỡng của sản phẩm mình sử dụng.

Theo các chuyên gia, người tiêu dùng hoàn toàn có thể lựa chọn sản phẩm lành mạnh cho cơ thể chỉ đơn giản bằng cách tìm và đọc nhãn dinh dưỡng trên sản phẩm và biến đó trở thành thói quen tiêu dùng của bản thân. Nhãn dinh dưỡng (Nutrition labelling) in trên bao bì thể hiện các thành phần dinh dưỡng có trong sản phẩm như đạm, đường, béo..., đồng thời cho biết sản phẩm cung cấp bao nhiêu % nhu cầu dưỡng chất đó cho cơ thể. Ví dụ trên bao bì ghi 15% canxi, nghĩa là thực phẩm đó cung cấp 15% canxi nhu cầu mỗi ngày.

Tại Việt Nam, ghi nhãn dinh dưỡng chỉ mới được một số doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm - đồ uống áp dụng. Ở các nước trong khu vực đã đi trước trong việc xây dựng môi trường thực phẩm lành mạnh như Thái Lan, Hồng Kông, Singapore, việc ghi nhãn dinh dưỡng là một trong những yêu cầu cần thiết đối với các doanh nghiệp ngành sản xuất thực phẩm - đồ uống. Bên cạnh đó, những quy định liên quan đến hạn chế quảng cáo, tiếp thị, kinh doanh các sản phẩm chứa nhiều muối và các chính sách khuyến khích hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe đến với người tiêu dùng cũng được áp dụng rộng rãi.

ThS:Hoàng Bình Yên

PGĐ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thanh Hóa

Truy cập

Hôm nay:
232
Hôm qua:
567
Tuần này:
2450
Tháng này:
8666
Tất cả:
500688