date
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KIẾM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THANH HÓA

THANH HÓA VỚI TUẦN LỄ NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ

Đăng lúc: 11:00:28 23/12/2019 (GMT+7)

Tuần lễ Thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) được tổ chức hàng năm từ ngày 01/8 - 07/8 tại 170 nước trên toàn Thế giới nhằm khuyến khích, tăng cường việc nuôi con bằng sữa mẹ và nâng cao sức khỏe trẻ em trên toàn thế giới. Nuôi con bằng sữa mẹ là cách tốt nhất để cung cấp nguồn dinh dưỡng cần thiết cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

 THANH HÓA VỚI TUẦN LỄ NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ
“NÂNG CAO KIẾN THỨC CHO MẸ THÊM SỨC KHỎE CHO CON”

 

 Tin. Lễ phát động Quốc gia...JPG

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng các cháu Trường mầm non Vườn mặt trời tại buổi lễ
phát động Quốc gia ngày vi chất dinh dưỡng năm 2019.

 

Tuần lễ Thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) được tổ chức hàng năm từ ngày 01/8 - 07/8 tại 170 nước trên toàn Thế giới nhằm khuyến khích, tăng cường việc nuôi con bằng sữa mẹ và nâng cao sức khỏe trẻ em trên toàn thế giới. Nuôi con bằng sữa mẹ là cách tốt nhất để cung cấp nguồn dinh dưỡng cần thiết cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên cho trẻ bú sữa mẹ trong vòng 1 giờ sau sinh, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho bú sữa mẹ cho tới khi trẻ được 2 tuổi hoặc lâu hơn. Nuôi con bằng sữa mẹ là một biện pháp tự nhiên, kinh tế và hiệu quả để bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Qua nghiên cứu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đều khuyến khích các bà mẹ nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, bởi sữa mẹ được ví như vắc xin đầu tiên cho trẻ sơ sinh, với nhiều chất dinh dưỡng và kháng thể bảo vệ trẻ khỏi nhiều bệnh tật như hen xuyễn, leukemia, nhiễm trùng tai, đột tử, tiểu đường tuýp 2, tiêu chảy, nhiễm trùng hệ tuần hoàn, béo phì...Sữa mẹ có thành phần dinh dưỡng phong phú như chất đạm, vitamin, carbohydrate, sắt, can-xi, chất béo; Sữa mẹ cũng giúp bé phòng chống nhiều bệnh như viêm phổi, tiêu chảy cấp, vàng da sơ sinh và nhiều bệnh khác giúp bé phát triển khỏe mạnh.

Theo thống kê của WHO chỉ rõ mỗi năm sẽ có hơn 820.000 trẻ nhỏ dưới 5 tuổi sẽ được cứu sống nếu các em được tiếp cận dinh dưỡng của dòng sữa mẹ ngọt ngào từ lúc sinh ra đến 24 tháng, thậm chí chỉ số thông minh (IQ) của những đứa trẻ này còn được nâng cao, giúp các em có đủ năng lực và trí tuệ, đạt thành tích cao trong học tập, qua đó có được công việc và cuộc sống tốt đẹp hơn, thoát khỏi vòng luẩn quẩn của nghèo đói.

Sữa mẹ là chất dinh dưỡng hoàn hảo, dễ hấp thu và sử dụng có hiệu quả, trẻ bú mẹ sẽ lớn nhanh, sữa mẹ có nhiều kháng thể giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm khuẩn. Trẻ bú mẹ ít mắc các bệnh tiêu chảy, viêm phổi và một số bệnh khác so với trẻ không được bú mẹ. Các bà mẹ đều được khuyến khích cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, nên cho con bú hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu và sau đó có thể tiếp tục cho bú xen kẽ trong vòng một, hai năm tiếp theo hoặc hơn nữa. Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là chỉ cho trẻ bú mẹ mà không cho ăn, uống bất cứ thức ăn, đồ uống nào khác kể cả nước chín, trừ trường hợp phải uống bổ sung các vitamin, khoáng chất hoặc thuốc theo chỉ định của thầy thuốc.

Khởi đầu và duy trì việc cho con bú sẽ thuận lợi hơn nếu nhận được sự ủng hộ tích cực từ những người thân xung quanh như gia đình, bạn bè, hàng xóm…. đặc biệt là người chồng; lúc cho con bú là khoảng thời gian nhẹ nhàng,  thư giãn hiếm hoi cho gia đình nhỏ bên nhau và thêm gắn kết.

Để việc NCBSM đạt được kết quả tốt, các cơ sở y tế khám chữa bệnh có liên quan đến chuyên khoa sản, nhi cần:

Tuân thủ Nghị định số 100/2014/NĐ-CP ngày 6/11/2014 của Chính phủ về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo.

Thực hiện Thông tư số 38/2016/TT-BYT ngày 31/10/2016 quy định một số biện pháp thúc đẩy việc nuôi con bằng sữa mẹ tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Tăng cường hoạt động tư vấn cho phụ nữ mang thai và bà mẹ về lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ; hướng dẫn các bà mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ cho con bú đúng, bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú kéo dài đến 24 tháng và cách duy trì nguồn sữa mẹ.

Tăng cường thực hiện chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ (EENC) kể cả các trường hợp mổ đẻ nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ trẻ được bú mẹ sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh.

Hưởng ứng Tuần lễ Thế giới NCBSM năm 2019 với Chủ đề “ Trao cơ hội và tạo mọi điều kiện để cha mẹ Nuôi con bằng sữa mẹ”, Thanh Hóa đã có các hoạt động cụ thể như:triển khai các hoạt động truyền thông tuyên truyền cho NCBSM, tập trung truyền thông cho các cấp, các ngành và người dân về vai trò của người cha, các thành viên trong gia đình và xã hội trong việc hỗ trợ bà mẹ NCBSM, góp phần tăng tỷ lệ trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 06 tháng đầu; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan để truyền thông cho người sử dụng lao động (các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, các công ty…) về lợi ích của việc NCBSM để hỗ trợ thiết thực cho bà mẹ NCBSM hoàn toàn trong 06 tháng đầu, tiếp tục NCBSM đến 24 tháng hoặc lâu hơn; cách duy trì nguồn sữa khi bà mẹ trở lại làm việc sau 6 tháng nghỉ thai sản; đồng thời tổ chức hoạt động tư vấn về NCBSM cho phụ nữ có thai, bà mẹ, người cha và các thành viên trong gia đình về lợi ích của việc cho trẻ bú sớm trong 01 giờ đầu sau sinh. Tổ chức đa dạng hoạt động tuyên truyền và tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ; các Trạm Y tế tổ chức các hoạt động tuyên truyền dưới nhiều hình thức về lợi ích của nuôi con bằng sữa mẹ, thông qua các buổi khám thai định kỳ sẽ thực hiện tư vấn và hướng dẫn bà mẹ về cho con bú đúng cách, cho trẻ bú sớm, hướng dẫn cách vắt sữa và chế độ ăn uống để có nhiều sữa cho con.

Tại các Bệnh viện sản khoa, bệnh viện tư nhân có khoa sản hoặc khoa sản các bệnh viện tuyến huyện, thị, thành phố sẽ thường xuyên truyền thông đến các sản phụ và gia đình sản phụ  về lợi ích của việc cho trẻ bú sớm trong 01 giờ đầu sau sinh và bú hoàn toàn bằng sữa mẹ, hướng dẫn mẹ cho bé bú đúng cách, chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý để mẹ có nhiều sữa….

Hưởng ứng Tuần lễ NCBSM nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ các bà mẹ trong việc nuôi con bằng sữa mẹ, trao đổi bổ sung nhiều kiến thức cho chính người mẹ và người cha để họ chăm sóc con của mình một cách tốt nhất.Người mẹ cần nhận được sự hỗ trợ cũng như được cung cấp thông tin cần thiết về chăm sóc trẻ nhỏ sau khi sinh từ cán bộ y tế, người thân, bạn bè và xã hội. Trong đó, vai trò của người chồng đặc biệt quan trọng để người mẹ có thể thực hiện đầy đủ các giai đoạn của việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Thiết nghĩ, trách nhiệm không chỉ dừng lại ở các đơn vị chuyên môn, mà cần có sự chung sức, đồng lòng của cả cộng đồng xã hội, đặc biệt là người trực tiếp nuôi, chăm sóc trẻ trong việc đưa ra các quyết định tốt nhất cho việc nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để đảm bảo công bằng về các cơ hội dinh dưỡng cho mọi trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ với điều kiện sống khác nhau.

Nuôi con bằng sữa mẹ là một thiên chức tự nhiên của người mẹ, với những hoạt động truyền thông được triển khai trong Tuần lễ thế giới NCBSM sẽ góp phần củng cố kiến thức, thay đổi thái độ, hành vi của người dân trong việc NCBSM, tạo điều kiện để khuyến khích, động viên sự tham gia của cộng đồng; khẳng định tầm quan trọng của nguồn sữa mẹ đối với cuộc sống của từng cá nhân cũng như đối với sự phát triển bền vững của xã hội. Qua đó, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng dân số, tạo nguồn lực vững mạnh cho đất nước.

 
TTƯT.TS. Lương Ngọc Trương
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Truy cập

Hôm nay:
76
Hôm qua:
254
Tuần này:
1834
Tháng này:
8864
Tất cả:
599931