date
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KIẾM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THANH HÓA

Vấn đề vi chất dinh dưỡng

Đăng lúc: 16:02:21 03/12/2020 (GMT+7)

Thiếu vi chất dinh dưỡng và giải pháp phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng

Thiếu vi chất dinh dưỡng và giải pháp phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng

                                                            

                                                             Ths Hoàng Bình Yên

                                                      PGĐ Trung tâm KSBT Thanh Hóa

 

Vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ, tính bằng miligam hoặc nhỏ hơn, nhưng có vai trò rất quan trọng trong các quá trình sinh học của cơ thể, khi thiếu sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho cơ thể, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.

Thiếu vi chất dinh dưỡng là gì?

Các nghiên cứu cho thấy suy dinh dưỡng không chỉ là chậm lớn, thấp bé, nhẹ cân mà luôn đi kèm với tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng như thiếu vitamin A, thiếu máu, thiếu sắt và thiếu iốt. Việc thiếu một số vi chất dinh dưỡng quan trọng như iốt, vitamin A, sắt, folate, kẽm, mặc dù rất khó phát hiện, song có thể đưa đến những hậu quả to lớn. Thiếu vi chất dinh dưỡng có thể dẫn đến mù lòa, tổn thương não, thai chết lưu, tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng và tử vong ở phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ, giảm năng suất lao động ở người trưởng thành. Thiếu vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển cả về thể chất và trí tuệ. Thiếu sắt và  iốt làm giảm chỉ số thông minh (IQ) ở trẻ em từ 10-15 điểm.Thiếu vi chất dinh dưỡng được gọi là “nạn đói tiềm ẩn” do khó phát hiện, khi các triệu chứng biểu hiện rầm rộ thành bệnh đặc trưng như bệnh thiếu máu do thiếu sắt, bệnh khô mắt do thiếu vitamin A thì dễ phát hiện nhưng sự tăng trưởng và phát triển cả về thể chất và trí tuệ đã bị ảnh hưởng trong thời gian dài và đôi khi thiếu vi chất dinh dưỡng để lại những hậu quả nghiêm trọng, không thể hồi phục được.

Nguyên nhân của tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng?

Do khẩu phần ăn của người dân không đảm bảo cung cấp đủ các vi chất dinh dưỡng quan trọng cho nhu cầu cơ thể, đặc biệt trong một số giai đoạn quan trọng như phụ nữ đang mang thai, cho con bú, trẻ em đang tuổi lớn. Theo điều tra khẩu phần của Viện Dinh dưỡng, khẩu phần ăn của người dân Việt Nam hầu hết không đáp ứng đủ 100% nhu cầu về các vitamin và chất khoáng. Bên cạnh đó, vi chất dinh dưỡng từ nguồn thức ăn động vật có giá trị sinh học cao hơn, cơ thể dễ hấp thu và sử dụng hơn so với thức ăn nguồn gốc thực vật, nhưng các thức ăn động vật đều có giá thành cao nên làm giảm sự tiếp cận thường xuyên của người dân với nguồn vi chất dinh dưỡng có giá trị sinh học cao đặc biệt người dân ở nông thôn, miền núi và các vùng khó khăn.

Các giải pháp phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng?

1. Uống bổ sung vi chất dinh dưỡng là một giải pháp ngắn hạn quan trọng có thể giúp cải thiện được ngay tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng. Chương trình uống bổ sung vitamin A cho trẻ em đã được triển khai trên toàn quốc. Nhờ chương trình này, trẻ em Việt Nam từ 6 tháng tới 36 tháng tuổi được uống bổ sung viên nang vitamin A liều cao một năm 2 lần vào ngày 1/6 và ngày 1/12. Người dân cần tích cực mang con tham gia ngày vi chất dinh dưỡng để được sử dụng vitamin A, chủ động mua và sử dụng viên sắt, viên đa vi chất hoặc bột bổ sung đa vi chất theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

2. Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm trong đó các thực phẩm như muối, nước mắm, nước tương (xì dầu), hạt nêm, dầu ăn, bột mì… được bổ sung  iốt, sắt, kẽm, vitamin A và phân phối trên toàn quốc. Đây là một giải pháp trung hạn có tính ưu việt cao do có sự tham gia của cả nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nghị định bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng như vitamin A, sắt, kẽm và  iốt vào dầu ăn, bột mỳ và muối. Người dân chủ động phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng nâng cao sức khỏe cho bản thân và cho gia đình bằng cách thay đổi thói quen tiêu dùng, tìm mua và sử dụng các thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng theo khuyến nghị của ngành y tế và các cơ quan quản lý liên quan.

3. Đa dạng hóa bữa ăn sử dụng nhiều loại thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày là giải pháp tự nhiên nhất nhằm cung cấp đủ vi chất dinh dưỡng cho nhu cầu của cơ thể. Đây cũng là giải pháp chiến lược dài hạn cần phấn đấu đạt được và duy trì bền vững. Sử dụng đầy đủ các loại thực phẩm từ bốn nhóm thực phẩm, cân đối khẩu phần ăn, chú ý các thực phẩm nguồn gốc động vật có nhiều vi chất dinh dưỡng có giá trị sinh học cao. Tuy nhiên, đây cũng là giải pháp cho chi phí giá thành lớn nhất do các thực phẩm có giá trị sinh học cao thường có giá đắt (ví dụ hải sản giàu  iốt, kẽm; thịt đỏ giàu sắt) và người dân ở nông thôn, miền núi hoặc các vùng khó khăn ít có cơ hội sử dụng thường xuyên trong khi nhu cầu vi chất dinh dưỡng là nhu cầu hàng ngày.    

            Ngoài ra, để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, cần quan tâm đến chăm sóc dinh dưỡng ngay từ tuổi vị thành niên, đặc biệt là giai đoạn mới kết hôn, chuẩn bị làm mẹ. Bổ sung viên sắt trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh là rất cần thiết để phòng chống thiếu máu cho cả mẹ và con. Đối với trẻ, dinh dưỡng hợp lý trong 1000 ngày vàng (đầu đời) tức là từ khi bà mẹ bắt đầu mang thai đến khi trẻ 2 tuổi đóng vai trò hết sức quan trọng. Bà mẹ trong vòng 1 tháng đầu sau đẻ cũng cần được uống vitamin A liều cao (200.000 đv) và cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau sinh để phòng chống thiếu vitamin A cho trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi. Đối với trẻ em trên 6 tháng tuổi, tiếp tục bú sữa mẹ đến 24 tháng, đa dạng hóa bữa ăn, thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, phòng chống nhiễm giun, phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường hô hấp cũng rất quan trọng vì nó liên quan đến tình trạng dinh dưỡng nói chung và thiếu vi chất của trẻ nhỏ nói riêng.

Truy cập

Hôm nay:
50
Hôm qua:
254
Tuần này:
1808
Tháng này:
8838
Tất cả:
599905