date
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KIẾM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THANH HÓA

BỆNH KHÔNG LÂY NHIỄM: GÁNH NẶNG, YẾU TỐ NGUY CƠ VÀ CHIẾN LƯỢC PHÒNG CHỐNG

Đăng lúc: 10:39:22 01/07/2021 (GMT+7)

Hiện nay các bệnh không lây nhiễm đang là gánh nặng bệnh tật ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Bệnh không lây nhiễm đang trở thành nhóm bệnh có số lượng tử vong cao nhất trên thế giới với khoảng 41 triệu người tử vong hằng năm (chiếm 70-75% số lượng tử vong trên toàn cầu) và vẫn đang tiếp tục tăng lên.

 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa bệnh không lây nhiễm (BKLN): "là các bệnh không lây, còn được gọi là bệnh mãn tính, không lây từ người sang người. Bệnh tiến triển trong thời gian dài và chậm”.
- Bệnh không lây nhiễm có các đặc điểm: Nguyên nhân phức tạp và do nhiều yếu tố nguy cơ kết hợp; bệnh khởi đầu âm thầm, phát triển, tiến triển kéo dài; không lây truyền từ người này sang người khác; gây rối loạn chức năng cơ thể hoặc gây tàn phế; không chữa khỏi hoàn toàn được và khi mắc bệnh phải điều trị suốt đời.
- Các nhóm BKLN phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam: các bệnh tim mạch như  tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ; Các bệnh ung thư; Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và hen phế quản; Bệnh Đái tháo đường; Các bệnh lý sức khỏe tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn tâm thần do sử dụng chất nghiện, tâm thần phân liệt.
tang huyet ap.jpg

Gánh nặng bệnh tật và kinh tế do bệnh không lây nhiễm
- Gánh nặng về bệnh tật
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2017, BKLN đang trở thành nhóm bệnh có số lượng tử vong cao nhất trên thế giới với khoảng 41 triệu người tử vong hằng năm (chiếm 70-75% số lượng tử vong trên toàn cầu) và vẫn đang tiếp tục tăng lên. Nguyên nhân hàng đầu của tử vong do BKLN trên toàn cầu năm 2017 là bệnh tim mạch (44,0%), ung thư (22,0%), bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (9,0%) và đái tháo đường (4,0%)...
Việt Nam đang phải đối mặt với hậu quả ngày càng trầm trọng của các BKLN, gánh nặng của các BKLN đang chiếm tới 70% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc, các bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Ước tính mỗi năm tử vong do BKLN chiếm tới 77% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân, trong số đó có đến 40% tử vong trước 70 tuổi, chủ yếu là do các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các BKLN khác. Ngoài ra, bệnh không lây nhiễm cũng gây tàn tật cho nhiều người như: liệt nửa người, mù lòa, suy thận, loét chi phải cắt cụt... Đặc biệt, người có bệnh cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường hoặc các BKLN khác dễ mắc COVID-19 và thường có diễn biến nặng, tỷ lệ tử vong cao (thống kê đến 15/6/2021, trong tổng số 61 ca tử vong do COVID-19 trong cả nước, có 57 trường hợp đã mắc BKLN trước đó, chiếm trên 93%)
- Gánh nặng về kinh tế, xã hội:
Theo WHO, BKLN gây tổn thất 2-5% GDP của mỗi nước. Chúng tác động đến mọi ngành và lĩnh vực, ảnh hưởng sâu sắc đến quần thể người nghèo và dễ bị tổn thương, là một trong những đe dọa chủ yếu trên toàn cầu đối với phát triển kinh tế. Hiện nay BKLN đang trở thành gánh nặng lớn về kinh tế, dự báo trong 20 năm tới, toàn thế giới sẽ mất đi 47.000 tỷ USD do các BKLN gây ra. Ước tính tại Việt Nam, mỗi năm thiệt hại khoảng 1 tỷ USD do hút thuốc lá (một trong các yếu tố nguy cơ BKLN).
Việc giải quyết những hậu quả của BKLN tạo gánh nặng với kinh tế gia đình và quốc gia thông qua các chi phí trực tiếp liên quan đến việc điều trị bệnh và chi phí gián tiếp do việc mất năng suất lao động hay thu nhập  do nghỉ việc cho khám chữa bệnh hay do mất sức lao động, do tàn tật, chết sớm, làm ảnh hưởng không chỉ đến ngành y tế mà còn đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

unnamed.jpg

Các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm
Nguy cơ mắc BKLN chủ yếu do lối sống có hại cho sức khỏe và các yếu tố môi trường không thuận lợi. Có thể kể đến một số yếu tố nguy cơ sau đây:
- Hút thuốc lá: Hút thuốc ước tính là nguyên nhân của 71% số trường hợp ung thư phổi; 42% số trường hợp bệnh phổi mạn tính; và 10% các bệnh tim mạch.
- Sử dụng rượu, bia ở mức có hại: 5,9% số trường hợp tử vong toàn cầu, tương đương 3,3 triệu người là do sử dụng rượu, bia, trong đó phần lớn là hậu quả của các nhóm BKLN gồm: tim mạch, đái tháo đường (33,4%), 09 loại bệnh ung thư (12,5%), bệnh về hệ tiêu hóa (16,2%), chấn thương (25,8%) và rối loạn phát triển bào thai và các biến chứng sinh non do rượu (0,1%). Sử dụng  rượu, bia ở mức có hại là nguyên nhân của 50% trường hợp tử vong do xơ gan, của 22% đến 25%  trường hợp tử vong do ung thư răng miệng, hầu họng, thanh quản hay thực quản, 30% các trường hợp tử vong vì viêm tụy.
- Dinh dưỡng không hợp lý: Có khoảng 57,2% dân số trưởng thành ăn thiếu rau quả so với khuyến cáo của WHO (400g/ngày), mức tiêu thụ muối/người/ngày cao gấp 2-3 lần (trên 10g/ngày) so với khuyến cáo của WHO (dưới 5g/ngày). Ăn ít rau và trái cây được quy cho là nguyên nhân của 1,7 triệu trường hợp tử vong, chiếm 2,8% tổng số tử vong trên thế giới. Ăn ít rau và trái cây ước tính là nguyên nhân của 19% số ung thư dạ dày ruột, 31% các bệnh thiếu máu tim cục bộ và 11% số trường hợp đột quỵ.
- Ít hoạt động thể lực: Ít hoạt động thể lực là yếu tố nguy cơ đứng hàng thứ tư của tử vong (WHO). Một người ít vận động sẽ tăng từ 20-30% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân nếu so sánh với một người vận động cường độ vừa phải ít nhất 30 phút mỗi ngày trong hầu hết các ngày của tuần.
- Yếu tố nguy cơ sinh/chuyển hóa: Tăng huyết áp, thừa cân, béo phì, tăng đường huyết và rối loạn lipid máu.
- Các yếu tố nguy cơ khác: Ngoài các nguy cơ phổ biến ở trên, còn những yếu tố nguy cơ quan trọng khác cần được kiểm soát hiệu quả để dự phòng các BKLN, đặc biệt là đối với dự phòng bệnh ung thư và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính:
Nhiễm trùng mạn tính do một số loại vi rút như vi rút viêm gan B, C (gây ung thư gan), vi rút HPV (gây ung thư cổ tử cung…).
Các yếu tố liên quan đến ô nhiễm môi trường, thực phẩm và nghề nghiệp như: benzene, arsenic, chất phóng xạ…là các tác nhân làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư. Ước tính có khoảng 50 yếu tố liên quan đến công việc và nghề nghiệp là tác nhân gây ung thư.
Bên cạnh nguy cơ do hút thuốc lá, ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời, bụi và hóa chất nghề nghiệp, viêm nhiễm đường hô hấp dưới thường xuyên ở trẻ em là những tác nhân quan trọng làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi mạn tính.

Chiến lược phòng chống bệnh không lây nhiễm
Mặc dù rất nguy hiểm nhưng BKLN có thể phòng chống hiệu quả thông qua kiểm soát các yếu tố nguy cơ (nguyên nhân) có thể phòng tránh được như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý, ít hoạt động thể lực... Bằng chứng khoa học cho thấy nếu loại trừ được các yếu tố nguy cơ này sẽ phòng được ít nhất 80% các bệnh tim mạch, đột quỵ, ĐTĐ týp II và trên 40% các bệnh ung thư.
- Trước hết phải quán triệt sâu sắc quan điểm trong Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2015-2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 376/QĐ-TTg, ngày 20/3/2015:
Các bệnh ung thư, bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các BKLN khác (sau đây gọi chung là các BKLN) ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước do số người mắc bệnh nhiều, bệnh gây tàn tật và tử vong cao. Phòng, chống các BKLN hiệu quả sẽ hạn chế số người mắc bệnh này trong cộng đồng, ngăn chặn tàn tật, tử vong sớm và giảm quá tải tại các bệnh viện.
Phòng, chống các BKLN là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của mỗi người dân, trong đó các cấp chính quyền trực tiếp chỉ đạo, ngành Y tế là nòng cốt.
Kiểm soát nguy cơ gây bệnh như hút thuốc lá, lạm dụng đồ uống có cồn, dinh dưỡng không hợp lý, thực phẩm không an toàn, thiếu hoạt động thể lực, cùng với chủ động giám sát, phát hiện bệnh sớm, điều trị, quản lý liên tục và lâu dài tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu là yếu tố quyết định hiệu quả trong phòng, chống các BKLN.
Nguồn lực đầu tư cho hoạt động phòng, chống các BKLN được huy động từ nhiều nguồn, trong đó ngân sách Nhà nước tập trung vào kiểm soát yếu tố nguy cơ, dự phòng, giám sát, phát hiện bệnh sớm.
- Mục tiêu chung: Khống chế tốc độ gia tăng tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các BKLN, trong đó ưu tiên phòng, chống các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
- Mục tiêu cụ thể:
Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và hiểu biết của người dân trong phòng, chống các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.
Giảm thiểu các hành vi nguy cơ chính gây mắc các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.
Hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm tại cộng đồng do các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.
Nâng cao năng lực và hiệu quả trong dự phòng, giám sát, phát hiện, điều trị, quản lý bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác.
Ban chỉ đạo phòng chống BKLN các cấp từ tỉnh đến huyện, xã, với sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan đã được thành lập để thúc đẩy hành động liên ngành phòng chống BKLN. Hy vọng các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các cấp tích cực vào cuộc với sự đồng lòng hưởng ứng của người dân, Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2015-2025 tại tỉnh Thanh Hóa sớm đạt được mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, góp phần thức đẩy phát triển kinh tế xã hội cũng như sự nghiệp chăm sóc, bảo về và nâng cao sức khỏe nhân dân tỉnh nhà trong giai đoạn mới./. 

BSCKII. Hoàng Hải Bằng - Phó Giám đốc CDC Thanh Hóa
 

 

0 bình luận
(Bấm vào đây để nhận mã)

Truy cập

Hôm nay:
217
Hôm qua:
239
Tuần này:
1229
Tháng này:
5428
Tất cả:
497450