date
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KIẾM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THANH HÓA

Dinh dưỡng trong phòng, chống bệnh không lây nhiễm

Đăng lúc: 10:44:28 01/07/2021 (GMT+7)

Bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu, là một trong những thách thức về sức khỏe chủ yếu trong thế kỷ 21. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong năm 2016, bệnh không lây nhiễm (KLN) KLN gây ra 41triệu/57 triệu ca tử vong trên toàn cầu. Tại Việt Nam, bệnh KLN cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Cứ 10 người chết̀ thì có gần 8 người chết do bệnh KLN và chủ yếu do các bệnh tim mạch, ĐTĐ, ung thư và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

 
606.jpg
Ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học chứng minh rằng, việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng tác động mạnh tới sức khỏe suốt cả cuộc đời của mỗi người. Sự điều chỉnh chế độ ăn không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe hiện tại mà còn có thể xác định là nguyên nhân của sự phát triển các bệnh như ung thư, tim mạch và đái tháo đường. Các bệnh không lây nhiễm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Thiếu và thừa các chất dinh dưỡng đều tác động tiêu cực tới sự phát triển những bệnh này. Vì vậy, dinh dưỡng hợp lý là rất cần thiết trong phòng bệnh không lây nhiễm.
Hiện nay, hoạt động phòng chống bệnh KLN của Việt Nam đang tập trung vào 4 nhóm bệnh chính gồm: Tăng huyết áp (THA) bệnh tim mạch (đột quỵ, suy tim, bệnh mạch vành…), đái tháo đường (ĐTĐ), các bệnh ung thư và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Chế độ dinh dưỡng tác động mạnh tới sức khỏe suốt cả cuộc đời của mỗi người. Theo WHO và Tổ chức Lương thực Thế giới, chăm sóc dinh dưỡng để phòng chống bệnh không lây nhiễm cần thực hiện được các nội dung:
* Cần bắt đầu sớm trong cuộc đời của mỗi người với việc nuôi dưỡng tốt bào thai, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú mẹ đến hai tuổi hoặc lâu hơn cùng với ăn bổ sung hợp lý. Chăm sóc dinh dưỡng toàn diện 1000 ngày đầu đời của trẻ để phòng chống suy dinh dưỡng sớm làm thay đổi các quá trình chuyển hóa và gia tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính trong các giai đoạn sau của cuộc đời.
* Chế độ ăn cần dựa trên các thực phẩm tự nhiên, phối hợp đa dạng nhiều loại thực phẩm, cân đối các nhóm thực phẩm, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống ngọt, rượu, bia.
* Tăng cường ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt, đậu đỗ, các loại hạt.
* Tăng cường ăn rau, quả: Cần ăn ít nhất 400g rau, quả và ăn đa dạng các loại rau quả có nhiều màu sắc khác nhau vì có chứa các loại chất dinh dưỡng và dưỡng chất thực vật khác nhau.
*Ăn có mức độ các thực phẩm như trứng, sữa, ăn lượng nhỏ thịt đỏ và tăng cường ăn cá và thịt gia cầm nạc.
* Ăn vừa đủ nhu cầu năng lượng, chất dinh dưỡng để tăng trưởng, phát triển, đáp ứng nhu cầu cho một cuộc sống năng động và lành mạnh trong cả vòng đời, không để bị thừa cân, béo phì hay béo bụng. Lựa chọn thực phẩm có đậm độ năng lượng thấp, chỉ số đường huyết thấp.
* Đảm bảo năng lượng từ chất béo dưới 30% tổng năng lượng tiêu thụ. Chuyển từ tiêu thụ các chất béo bão hòa sang chất béo không bão hòa và hướng tới việc loại bỏ chất béo chuyển hóa công nghiệp. Chất béo không bão hòa (có nhiều trong cá, quả bơ và các loại hạt hướng dương, đậu tương, oliu) tốt hơn chất béo bão hòa (có nhiều trong thịt các loại gia súc lớn, từ chế phẩm sữa bò, dê cừu như bơ động vật, dầu cọ, dầu dừa, kem tươi, phomat, mỡ động vật) và chất béo chuyển hóa các loại, bao gồm cả chất béo được tạo ra trong sản xuất công nghiệp (thực phẩm nướng, chiên rán và các loại thực phẩm, đồ ăn vặt chế biến đóng gói sẵn).
* Hạn chế lượng đường tự do dưới 10% (tốt hơn là dưới 5%) tổng năng lượng ăn vào: Dưới 50g/ngày (tốt nhất là dưới 25g/ngày). Đường tự do (như sucrose, maltose, glucose, fructose) là những loại đường được nhà sản xuất thêm vào thực phẩm, đồ uống, trong quá trình pha chế, chế biến đồ ăn/uống và đường tự nhiên có trong mật ong, các loạt mật, siro, nước trái cây tươi và nước trái cây cô đặc.
* Hạn chế tổng lượng muối ăn vào dưới 5g/ngày bằng cách cho bớt muối, chấm nhẹ tay và giảm ngay đồ ăn mặn, nên sử dụng muối Iốt.
* Hạn chế đến mức thấp nhất có thể các tác nhân gây bệnh, độc tố hoặc các yếu tố khác có thể gây bệnh từ thực phẩm (như độc tố vi nấm aflatoxin có trong lạc mốc, dư lượng kháng sinh có trong rau, củ, quả hoặc các loại thịt gia súc, gia cầm, hải sản…).
* Kiểm soát cân nặng để duy trì cân nặng nên có ở mức tương đương BMI =21 ở người dưới 50 tuổi và BMI = 22 ở từ 55 tuổi trở lên và không bị béo bụng (vòng eo < 90 cm ở nam và < 80 cm ở nữ).
* Duy trì lối sống tích cực thường xuyên hoạt động thể lực mức độ vừa hoặc nặng ít nhất 30 phút mỗi ngày; hạn chế rượu, bia, không hút thuốc lá. Tiêm vắcxin phòng bệnh lây nhiễm có nguy cơ cao như ung thư, viêm gan B, C, Herpes...

nguoi benh tang huyet ap nen an nhieu rau qua chin.jpg


* Không có một thức ăn nào là toàn diện và có đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Mỗi loại thức ăn có chứa một số loại chất dinh dưỡng với tỷ lệ khác nhau cho nên bữa ăn hằng ngày cần đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm. Các chất dinh dưỡng của các loại thực phẩm này sẽ bổ sung cho nhau và giá trị dinh dưỡng của bữa ăn sẽ tăng lên. Trong khẩu phần ăn hằng ngày nên có sự phối hợp giữa nguồn chất đạm động vật và thực vật (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, hải sản, đậu, đỗ...). Ngoài ra, nên có cả dầu thực vật và mỡ động vật ở tỷ lệ cân đối trong khẩu phần ăn; tăng cường ăn vừng lạc, đậu đỗ, rau xanh và hoa quả chín; không nên ăn các thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn, thức ăn có chỉ số đường huyết cao; ăn đủ nhu cầu, cần phân chia hợp lý các bữa ăn trong ngày (tùy theo lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, mức độ lao động). Không nên ăn mặn, sử dụng muối i-ốt trong chế biến thức ăn; tăng cường hoạt động thể lực (người lớn cần có ít nhất 150 phút/ngày, trẻ em và thanh thiếu niên cần 60 phút/ngày).

* Chất đạm đóng vai trò quan trọng, do vậy cần ăn phối hợp cả thực phẩm giàu đạm động vật từ các loài gia súc, gia cầm, hải sản và đạm thực vật từ các loại đậu, đỗ… Nên ăn thức ăn giàu đạm với tỷ lệ cân đối giữa nguồn đạm động vật và thực vật, tăng cường ăn đậu phụ và cá. Các loại thịt đỏ (thịt lợn, thịt bò…) có nhiều sắt giúp phòng chống thiếu máu thiếu sắt, đặc biệt quan trọng đối với trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và phụ nữ tuổi sinh đẻ. Tuy nhiên ăn nhiều thịt đỏ lại làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ung thư, gút… do có chứa nhiều cholesterol, nhân pu-rin... vì vậy, không nên ăn nhiều. Nên tăng cường ăn thịt gia cầm (như gà, vịt, ngan, chim…) và ăn ít nhất ba bữa cá mỗi tuần. Ăn thịt ở mức vừa phải (không quá 100 g/ngày/người trưởng thành); trung bình 1,5kg thịt/tháng. Các loại thịt đỏ không sử dụng quá 10% năng lượng, ưu tiên thịt gia cầm.
* Trong khẩu phần ăn cũng cần bảo đảm một tỷ lệ cân đối chất béo giữa nguồn chất béo động vật (mỡ, thịt mỡ...) và chất béo thực vật (dầu, đậu tương, vừng, lạc...) . Nên giữ trong khẩu phần hằng ngày ít nhất là 40% chất béo thực vật, chất béo động vật không nên vượt quá 60%; ăn phối hợp cả mỡ động vật và dầu thực vật. Dầu, mỡ để rán chỉ dùng một lần rồi đổ bỏ; hạn chế ăn đồ nướng vì làm tăng nguy cơ gây ung thư.
* Mỗi người nên ăn ít nhất 400 gam rau, quả mỗi ngày có tác dụng phòng, chống các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng như các bệnh tim mạch, ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng. Những người thừa cân, béo phì, rối loạn glucose máu, đái tháo đường nên lưu ý hạn chế các loại quả chín ngọt và nhiều năng lượng như chuối, xoài, mít, vải…
Tuy nhiên, cả thừa và thiếu dinh dưỡng đều tác động tiêu cực tới sự phát triển bệnh và nếu phối hợp cả hai thì thậm chí còn nguy hiểm hơn. Do vậy dinh dưỡng hợp lý và tùy từng người, tùy độ tuổi đóng vai trò quan trọng trong phòng bệnh không lây nhiễm.


Bs CKI. Trần Đức Nội – TK Dinh dưỡng -Trung tâm Kiểm soát bệnh tật

 

0 bình luận
(Bấm vào đây để nhận mã)

Truy cập

Hôm nay:
91
Hôm qua:
265
Tuần này:
2574
Tháng này:
8790
Tất cả:
500812