QUẢN LÝ BỆNH KHÔNG LÂY NHIỄM TẠI TUYẾN Y TẾ CƠ SỞ
Bệnh không lây nhiễm (tim mạch, ung thư, đái tháo đường, tăng huyết áp) đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam, chiếm khoảng 75% tỷ lệ tử vong chung. Giảm tỷ lệ mắc và tử vong sớm cho những người mắc bệnh không lây nhiễm là mục tiêu mà Việt Nam đang thực hiện.
Hiện Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép là bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm. Trong đó, bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng và chiếm trên 60% số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại các bệnh viện.
Theo số liệu của Bộ Y tế, trong số người trưởng thành thì có khoảng 20% người mắc tăng huyết áp; 4% dân số mắc bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên có đến 56% trường hợp tăng huyết áp không biết mình bị bệnh, con số này của đái tháo đường là 68,9%. Hiện chỉ có 13,6% người bệnh tăng huyết áp và 28,9% người bệnh đái tháo đường được quản lý điều trị. Do việc phát hiện và quản lý điều trị còn hạn chế nên tỷ lệ người bệnh trong cộng đồng có huyết áp ổn định còn rất thấp.
Việc quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm nói chung, bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường cần phải thực hiện ở tất cả các tuyến. Trong đó, bệnh viện cung cấp dịch vụ cho bệnh nhân nặng, nhiều biến chứng; hỗ trợ cho tuyến dưới quản lý điều trị những trường hợp tuyến dưới có khả năng thực hiện. Trạm y tế trước mắt quản lý điều trị những trường hợp vừa và nhẹ, có thể đã được chẩn đoán và điều trị ở tuyến trên. Khi trình độ tốt hơn thì có thể từng bước tiếp nhận bệnh nhân nặng hơn, do hầu hết bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường đều điều trị ngoại trú.
Đối với những người mắc bệnh không lây nhiễm, việc quản lý sức khỏe tại các cơ sở y tế, đặc biệt là ngay tại địa phương sẽ giúp người bệnh kiểm soát được tình trạng bệnh, giảm chi phí đi lại, giảm các tai biến và giảm gánh nặng bệnh tật. Tuy nhiên, hiện nay, việc triển khai hoạt động này còn gặp nhiều khó khăn nhất định. Ngày 20/12/2019 Bộ Y Tế đã ban hành quyết định số 5904/QĐ-BYT về việc ban hành tài liệu chuyên môn “ Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và quản lý một số bệnh không lây nhiễm tại Trạm y tế xã”.
Để giúp người dân kịp thời phát hiện bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng, tăng cường việc quản lý, điều trị tại Trạm y tế xã. CDC Thanh Hóa đã triển khai:
- Tập huấn cho cán bộ chuyên trách phòng chống bệnh không lây nhiễm của 27 Trung tâm y tế huyện và cán bộ y tế của 559 xã về Quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở; Về sổ quản lý bệnh không lây nhiễm điện tử và thống kê báo cáo oline.
- Phối hợp với các bệnh viện chuyên khoa như bệnh viện Nội Tiết, bệnh viện Phổi tổ chức các đợt khám sàng lọc bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn nãm tính tại một số xã trên địa bàn.
- Đấu mối với Bảo hiểm y tế tỉnh để cung cấp đủ thuốc điều trị bệnh không lây nhiễm tại Trạm y tế.
- Đã chỉ đạo các Trạm y tế triển khai chẩn đoán, điều trị và quản lý một số bệnh không lây nhiễm theo Quyết định 5904/QĐ-BYT ngày 20/12/1019.
- Chú trọng các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe về phòng chống bệnh không lây nhiễm trên các phương tiện thông tin đại chúng; Tại các Trạm y tế truyền thông giáo dục sức khỏe bằng nhiều hình thức.
- Tổ chức các đợt giám sát, chỉ đạo tuyến để hỗ trợ về chuyên môn.
Trong thời gian tới, để chủ động phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, mỗi người cần kiểm soát những yếu tố nguy cơ như: Hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, chế độ dinh dưỡng không hợp lý và ít hoạt động thể lực. Bên cạnh đó, các đơn vị y tế, nhất là tuyến y tế cơ sở cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống và kiểm soát bệnh không lây nhiễm; tiếp tục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực làm công tác dự phòng, để phát hiện sớm, điều trị, quản lý người bệnh. Từ đó, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn.
Bs CKI. Lê Trí Tuệ- TK phòng chống bệnh KLN
- QUẢN LÝ BỆNH KHÔNG LÂY NHIỄM TẠI TUYẾN Y TẾ CƠ SỞ
- Dinh dưỡng trong phòng, chống bệnh không lây nhiễm
- BỆNH KHÔNG LÂY NHIỄM: GÁNH NẶNG, YẾU TỐ NGUY CƠ VÀ CHIẾN LƯỢC PHÒNG CHỐNG
- Chế độ ăn phòng ngừa biến chứng cho bệnh nhân tăng huyết áp
- BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG BỆNH TĂNG HUYẾT ÁP
- Hội thảo truyền thông về bệnh không lây nhiễm giảm ăn muối và Covid-19
- Mít tinh hưởng ứng Ngày toàn dân mua và sử dụng muối i-ốt (2-11) và Ngày Thế giới phòng, chống bệnh đái tháo đường (14-11)
- bệnh phổi