date
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KIẾM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THANH HÓA

Giải pháp đảm bảo công tác phòng chống dịch và vắc - xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng

Đăng lúc: 11:13:46 29/12/2023 (GMT+7)

Hiện nay do biến đổi khí hậu và thay đổi môi trường, sinh thái nên tình hình dịch bệnh của nước ta nói chung và tại Thanh Hóa nói riêng có xu hướng diễn biến phức tạp, khó kiểm soát: các bệnh dịch lưu hành như sốt xuất huyết, Sởi, Rubella, chân tay miệng …có xu hướng gia tăng cùng với khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi như MER-CoV, Cúm gia cầm, Ebola, Zika … và các bệnh truyền nhiễm khác như viêm gan, viêm não, HIV/AIDS, đậu mùa khỉ, thêm vào đó là sự gián đoạn trong cung ứng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng...tất cả điều này đã làm tăng nguy cơ dịch chồng dịch.

Hiện nay do biến đổi khí hậu và thay đổi môi trường, sinh thái nên tình hình dịch bệnh của nước ta nói chung và tại Thanh Hóa nói riêng có xu hướng diễn biến phức tạp, khó kiểm soát: các bệnh dịch lưu hành như sốt xuất huyết, Sởi, Rubella, chân tay miệng …có xu hướng gia tăng cùng với khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi như MER-CoV, Cúm gia cầm, Ebola, Zika … và các bệnh truyền nhiễm khác như viêm gan, viêm não, HIV/AIDS, đậu mùa khỉ, thêm vào đó là sự gián đoạn trong cung ứng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng...tất cả điều này đã làm tăng nguy cơ dịch chồng dịch.

Đối với công tác phòng chống dịch bệnh:

Tại Thanh Hóa, trong năm vừa qua, hệ thống giám sát phát hiện: 1.700 ca bệnh SXH, 600 ca chân tay miệng, 35 ca sởi, 4.500 ca Covid-19, 144 ca nhiễm HIV và đã có 02 bệnh nhân tử vong do chó dại cắn, 02 bệnh nhân tử vong vì Whitmore, 01 ca tử vong do uốn ván sơ sinh, 01 ca tử vong do SXH và 22 ca tử vong do AIDS.

Đó là những thách thức và dự báo nguy cơ tình hình dịch bệnh tại địa phương có thể sẽ bùng phát bất kể thời gian nào nếu cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống y tế dự phòng thiếu sự quan tâm đến công tác phòng chống dịch.

Vì vậy, trong năm 2024, để có các biện pháp pháp phòng chống dịch bệnh tốt, hệ thống y tế dự phòng cần có những giải pháp để ứng phó với những diễn biến bất thường của tình hình dịch bệnh, cụ thể như sau:

1- Củng cố nâng cao năng lực của hệ thống phòng, chống dịch từ tỉnh đến địa phương. Xây dựng kế hoạch đáp ứng từng tình huống dịch bệnh. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, hoá chất thuốc men, trang thiết bị, cơ sở vật chất sn sàng trong công tác phòng chống dịch bệnh.

2- Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức về các biện pháp phòng, chống các dịch bệnh cho nhân dân.

3- Tăng cường xã hội hóa trong công tác phòng, chống dịch bệnh, vận động nhân dân chủ động phối hợp và tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.

4- Phối kết hợp với hệ thống lâm sàng để giám sát chặt chẽ các ca bệnh, sử dụng tốt phần mềm giám sát, quản lý bệnh nhân; chuẩn bị sẳn sàng các cơ sở, TTB để thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân.

5- Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác phòng, chống dịch bệnh, vì chỉ có chính quyền mới có thể huy động được sức mạnh lớn nhất cả về nhân lực, vật lực cho công tác phòng chống dịch bệnh.

Đối với công tác tiêm chủng mở rộng và vắc xin:

Đối với các bệnh mà đã có vắc-xin thì vắc-xin là cốt lõi, là biện pháp căn cơ trong công tác phòng chống dịch bệnh nhưng phải tiêm đúng, tiêm đủ và tiêm đạt tỉ lệ bao phủ đủ để tạo miễn dịch cho các nhóm đối tượng cần bảo vệ. Nhưng rất tiếc trong thời gian vừa qua do một số cơ chế thay đổi chưa phù hợp và do ảnh hưởng của dịch COVD-19, việc cung ứng vắc xin đã bị gián đoạn dẫn đến tình trạng thiếu hụt cục bộ một số loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc. Từ đó, nhiều trẻ em đã không được tiêm vắc-xin phòng bệnh theo đúng lịch, đủ liều. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền được bảo vệ sớm của trẻ, mà còn làm giảm tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng, tiểm ẩn nguy cơ cao các bệnh truyền nhiễm có thể xuất hiện và bùng phát thành dịch.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi trong năm chỉ đạt 65,6%. Vắc xin thiếu hụt nhiều nhất là vắc-xin 5/1 (DPT – VGB -Hib) và DPT, đã ảnh hưởng lớn đến các mục tiêu trong Chương trình TCMR. Bởi mỗi năm Thanh Hóa cần khoảng 54.000 liều vắc-xin  5 in 1; trong năm 2023, mãi đến tháng 9 mới được cấp 16.000 liều vắc-xin 5 in 1. Theo kế hoạch thì đầu tháng 01 Thanh Hóa mới được cấp thêm trong nguồn viện trợ, quý II thì mới có vắc-xin qua đấu thầu trong nguồn của chính phủ. Theo Chủ nhiệm Văn phòng Tiêm chủng quốc gia cho biết: Bộ y tế đang trình Chính phủ, đề nghị Chính phủ hàng năm mua vắc-xin cấp cho các địa phương; địa phương bổ sung kinh phí mua vật tư tiêu hao và các hoạt động kèm theo.

Vì vậy chúng ta cần phải có giải pháp để trẻ em được tiếp cận với vắc-xin sớm nhất có thể. Hạn chế nguy cơ các bệnh truyền nhiễm trong chương trình TCMR có thể xuất hiện và bùng phát thành dịch trong cộng đồng:

1- Thường xuyên rà soát và làm tốt công tác quản lý đối tượng, quản lý mũi tiêm để có thể kịp thời tiêm bù, tiêm vét cho trẻ khi có vắc-xin được phân bổ từ tuyến trên.

2- Tăng cường xã hội hóa trong công tác tiêm chủng, nâng cao tỉ lệ tiêm chủng trong các nhóm đối tượng, tạo miễn dịch tốt để phòng chống dịch bệnh.

3- Tăng cường các hoạt động truyền thông cho các bà mẹ có con dưới 5 tuổi về lịch tiêm chủng, lợi ích của tiêm chủng, cách theo dõi xử lý các phản ứng sau tiêm chủng.

4- Nâng cao năng lực hệ thống tiêm chủng, quản lý tốt vắc-xin , sử dụng hiệu quả phần mềm quản lý tiêm chủng, để có kế hoạch phù hợp, đảm bảo không bỏ sót đối tượng, các đối tượng phải được tiêm đúng, tiêm đủ.

5- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ công tác tiêm chủng tại cơ sở. Thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm các cơ sở công bố đủ điều kiện tiêm chủng theo nghị định 104/2016/NĐ-CP cả công và tư.

Y tế dự phòng là bảo vệ, chăm sóc sức khỏe toàn dân, toàn diện cho người dân từ khi còn thai nhi đến khi về già kể cả người khỏe lẫn người bệnh trong đó tập trung vào phòng, chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân và cộng đồng bao gồm phòng chống bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, bệnh chưa xác định rõ nguyên nhân, kiểm soát các yếu tố nguy cơ, dinh dưỡng cộng đồng, vệ sinh sức khỏe môi trường, y tế trường học, sức khoẻ tình dục, chăm sóc sức khoẻ người lao động, người cao tuổi, người già và trẻ em, truyền thông giáo dục sức khoẻ … như vậy là một khối lượng công việc rất lớn nhưng thực tại hiên nay thì hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở còn rất nhiều hạn chế như: thiếu TTB, thiếu về nhân lực cả số lượng và chất lượng;

Trung tâm kiểm soát bệnh tật cũng không ngoài những khó khăn trên, nhân lực hiện nay đang quá thiếu về số lượng, chất lượng chưa đảm bảo, trang thiết bị máy móc còn hạn chế, chưa xứng tầm là Trung tâm, đơn vị tuyến cuối của tỉnh. Trong khi đó, mỗi năm lại phải giảm 10% biên chế, thì vài năm tới sẽ không đủ người để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của một Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Vì vậy, thời gian tới rất cần hơn nữa sự quan tâm trực tiếp từ Sở y tế Thanh Hóa, UBND tỉnh, có cơ chế, chính sách phù hợp hơn để y tế dự phòng, y tế cơ sở đủ điều kiện để chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân từ sớm, từ xa và toàn diện./.
              Ths.Lê Trường Sơn - Giám đốc CDC 

Truy cập

Hôm nay:
485
Hôm qua:
486
Tuần này:
3454
Tháng này:
9670
Tất cả:
501692