date
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KIẾM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THANH HÓA

HƠN 10 NGHÌN BỆNH NHÂN ĐAU MẮT ĐỎ TẠI THANH HÓA

Đăng lúc: 09:33:55 21/09/2023 (GMT+7)

Theo hệ thống giám sát từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thanh Hoá: đến ngày 20/9/2023, trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận 10.433 ca mắc tại 335 xã phường, thị trấn ở 25/27 huyện, thị, thành phố, tại TP Thanh Hoá với 3.899 ca; huyện Thiệu Hoá: 2.544 ca; huyện Yên Định: 786 ca; huyện Hoằng Hoá: 483 ca …, huyện Mường Lát và Bá Thước chưa ghi nhận.

         Các ổ dịch đau mắt đỏ tập trung chủ yếu tại các trường Mầm non, Tiểu học, nội trú…; Từ các bệnh tuyến tỉnh và huyện cho thấy sự gia tăng các trường hợp đến khám các bệnh về mắt, chủ yếu là khám lấy thuốc và điều trị ngoại trú.

mat.jpg

Khám bệnh tại Bệnh viện mắt Thanh Hóa

Trong thời gian qua bệnh đau mắt đỏ bùng phát thành dịch tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Bệnh đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc) là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường gặp do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng với triệu chứng đặc trưng là mắt đỏ. Bệnh thường xẩy ra đột ngột, rất dễ mắc, dễ lây lan ra cộng đồng và gây thành dịch. Theo đó, đây là thời điểm cuối mùa hè, đầu mùa thu là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, vi rút phát triển. Cho đến nay bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, bệnh có thể mắc lại sau vài tháng khỏi bệnh.

Mầm bệnh có khả năng sống ở môi trường bình thường trong vài ngày và người bệnh vẫn có thể là nguồn lây bệnh sau khi đã khỏi bệnh một tuần. Vì vậy, theo thông tin từ Cục y tế dự phòng – Bộ Y tế, cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện triệt để các biện pháp vệ sinh và cách ly với người bệnh. Các biện pháp cụ thể mọi người cần thực hiện như sau:
          - Luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.

- Dùng riêng khăn, gối, chậu rửa mặt.

- Giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng và nước sạch, phơi khăn ngoài nắng hàng ngày.

- Không dùng tay dụi mắt.

- Rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý (nước muối 0,9%), ngày ít nhất 3 lần vào các buổi sáng, trưa, tối.

- Không dùng chung thuốc nhỏ mắt, không dùng chung đồ đạc với người đau mắt.

- Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt.

- Hạn chế đến những nơi đông người đặc biệt là những nơi có nhiều mầm bệnh như bệnh viện…

- Hạn chế sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm, hạn chế đi bơi.

 

                                              Lê Hoài Văn – Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thanh Hóa

Truy cập

Hôm nay:
265
Hôm qua:
337
Tuần này:
860
Tháng này:
4955
Tất cả:
507560