date
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KIẾM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THANH HÓA

Thanh Hóa chủ động kiểm soát không để dịch sốt xuất huyết bùng phát, lây lan

Đăng lúc: 09:26:36 07/10/2021 (GMT+7)

Thời điểm giao mùa, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển mạnh. Để chủ động phòng chống dịch hiệu quả, ngành y tế đã huy động các nguồn lực và triển khai nhiều biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, bảo đảm sức khỏe Nhân dân.

177d3194837t48915l0.jpg

Phun hóa chất diệt muỗi tại khu vực xung quanh hộ gia đình bệnh nhân sốt xuất huyết xã Mậu Lâm (Như Thanh).

Trong hơn 1 tuần qua trên địa bàn huyện Như Thanh ghi nhận 6 ca mắc sốt xuất huyết tại thôn Đồng Bớp và thôn Rộc Môn, xã Mậu Lâm. Đáng chú ý, cả 6 bệnh nhân không đi khỏi địa phương trong vòng 1 tháng trước ngày khởi phát bệnh. Ngay sau khi ghi nhận các ca bệnh, lực lượng chức năng huyện Như Thanh đã ngay lập tức triển khai các biện pháp kiểm soát dịch. Trung tâm Y tế huyện Như Thanh phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, xã Mậu Lâm truyền thông, phát quang bụi rậm, vận động Nhân dân khơi thông cống rãnh, lật úp các dụng cụ có chứa đựng nước bên ngoài vườn, sân; triển khai phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành tại khu vực hộ gia đình bệnh nhân trong vòng bán kính 200m tính từ gia đình bệnh nhân, tiến tới mở rộng toàn bộ thôn Đồng Bớp và thôn Rộc Môn. Tính đến ngày 30-9, đã phun hóa chất tại 275 hộ dân ở thôn Rộc Môn và Đồng Bớp và 1 hộ lân cận ở thôn Đồng Nghiêm, 2 doanh nghiệp đóng trên thôn Đồng Bớp, 12 hộ gia đình ở thôn Đồng Tâm, xã Phượng Nghi với tổng số hóa chất sử dụng 48.500ml; đồng thời kiểm tra đánh giá véc-tơ truyền bệnh sốt xuất huyết tại một số hộ gia đình thôn Rộc Môn và thôn Đồng Bớp có bệnh nhân sốt xuất huyết.

Ông Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Như Thanh, cho biết: Nhằm chủ động kiểm soát không để dịch sốt xuất huyết bùng phát, lây lan rộng trên địa bàn, trung tâm tiếp tục tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, như thường xuyên vệ sinh khuôn viên xung quanh nhà và trong khu vực nhà, phát quang bụi rậm, thau bể, khơi thông cống rãnh, đổ nước đọng trong vườn, sân quanh nhà; người dân nằm màn. Thường xuyên tổ chức giám sát dịch tễ, giám sát véc-tơ tại xã Mậu Lâm và Phượng Nghi, không để bệnh sốt xuất huyết lan rộng ra cộng đồng. Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư hóa chất phục vụ công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Chỉ đạo các trạm y tế xã, thị trấn phối hợp với đài truyền thanh tổ chức tuyên truyền kiến thức phòng tránh dịch bệnh sốt xuất huyết cho Nhân dân. Thường xuyên tổ chức giám sát ca bệnh, giám sát véc-tơ phát hiện sớm các trường hợp nghi/mắc sốt xuất huyết trên địa bàn để xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lan rộng ra cộng đồng.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, từ đầu năm 2021 đến nay trên địa bàn tỉnh ghi nhận 45 ca sốt xuất huyết tại 17 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 9 ca mắc nội địa, giảm gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái và chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Tuy nhiên, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan nhanh chóng, vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, hàng năm ngành y tế đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống sốt xuất huyết; chỉ đạo các đơn vị y tế trên toàn tỉnh về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết; theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, kiểm soát các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và phát hiện sớm trường hợp mới phát sinh; tổ chức phun hóa chất xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch bùng phát, lan rộng; tổ chức tốt các biện pháp dự phòng, tư vấn, thu dung, cấp cứu, phác đồ điều trị bệnh sốt xuất huyết, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong ở người do dịch bệnh; chuẩn bị đầy đủ kinh phí, thuốc, phương tiện, vật tư, hóa chất, thiết bị cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và đáp ứng các tình huống dịch bệnh. Tập trung truyền thông trước và trong khi thực hiện các chiến dịch diệt loăng quăng/bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi để người dân biết và phối hợp thực hiện.

Ông Trịnh Duy Khang, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Bệnh sốt xuất huyết rất nguy hiểm bởi có mức độ lây lan rất nhanh chóng và có thể xảy ra quanh năm, nhất là thời điểm chuyển mùa rất thuận lợi cho muỗi phát triển. Thời điểm này, số ca mắc sốt xuất huyết tại Thanh Hóa thấp hơn nhiều so với các năm trước. Tuy nhiên, thời tiết giao mùa kèm mưa ẩm hiện nay là điều kiện thuận lợi gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết. Bệnh thường gặp ở những nơi tập trung đông dân cư, vệ sinh môi trường kém. Bệnh sốt xuất huyết có các biểu hiện: sốt cao đột ngột, sốt liên tục kéo dài từ 2-7 ngày. Dấu hiệu xuất huyết nhẹ nhất là chảy máu cam, bệnh tiến triển nặng biểu hiện ở xuất huyết dưới da có thể lan rộng toàn thân, nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen, gan to... kèm theo một số triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn, đau đầu, đau sau hốc mắt, buồn nôn, đau bụng. Bệnh sốt xuất huyết nếu không kịp thời phòng, chống, phát hiện sớm, xử lý triệt để, ổ dịch sẽ lây lan ra diện rộng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Vì vậy, để công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết hiệu quả, bên cạnh sự chủ động, tích cực của các cấp chính quyền, lực lượng chức năng, thì mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức phòng dịch, chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng bệnh như chủ động vệ sinh xung quanh nhà, thường xuyên cọ rửa các dụng cụ chứa nước lớn, thả cá diệt bọ gậy, loăng quăng và ngủ màn kể cả ban ngày đề phòng muỗi đốt. Khi có các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết cần đưa người bệnh đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

                                                                                                                                                                                                Khoa Truyền thông GDSK

Truy cập

Hôm nay:
115
Hôm qua:
205
Tuần này:
320
Tháng này:
4697
Tất cả:
488363