Viêm não Nhật Bản- Bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
Viêm não Nhật Bản là bệnh do vi-rút gây nên. Bệnh được phát hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản năm 1871. Bệnh lan truyền rộng rãi ở châu Á, vùng Viễn Đông, Ấn Độ. Ở Việt Nam, bệnh viêm não Nhật Bản lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 1952. Cho đến nay, bệnh vẫn xảy ra rải rác ở khắp các tỉnh đồng bằng, trung du và miền núi.
Tác nhân gây bệnh là vi-rút thuộc nhóm Arbo, họ Flaviviridae (Japanese Encephalitis Virus – JEV). Ổ chứa vi-rút trong tự nhiên là các loài chim, muỗi và các động vật máu nóng, đặc biệt là lợn. Trung gian truyền bệnh chủ yếu là muỗi Culex tritaeniorhynchus. Muỗi hút máu chim, lợn có chứa vi-rút. Vi-rút nhân lên trong cơ thể muỗi. Khi muỗi hút máu người thì truyền vi-rút sang người.
Đối tượng cảm nhiễm là người ở mọi lứa tuổi chưa có kháng thể miễn dịch đặc hiệu đều có thể mắc bệnh. Vi-rút viêm não Nhật Bản là nguyên nhân hàng đầu gây viêm não cho trẻ em khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Bệnh có tỉ lệ tử vong và di chứng cao. Trong những vùng có vi-rút viêm não Nhật Bản lưu hành, trẻ em là đối tượng có nguy cơ mắc cao. Tỉ lệ mắc viêm não Nhật Bản ở trẻ em dưới 10 tuổi chiếm đến 87,7%. Hiếm gặp ở trẻ sơ sinh.
Tại Việt Nam, nhất là ở miền Bắc, bệnh thường xuất hiện tản phát hàng năm, có tính chất mùa. Thường bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10, cao nhất vào tháng 6. Vi-rút phát triển tốt nhất trong cơ thể muỗi ở nhiệt độ từ 27-30 độ C. Do đó, bệnh viêm não Nhật Bản hay xuất hiện vào mùa hè ở các nước cận nhiệt đới.
Đặc điểm lâm sàng
Sau thời gian ủ bệnh từ 5 – 15 ngày, người bị nhiễm vi-rút sẽ bộc lộ thể có triệu chứng hoặc thể ẩn.
* Thể ẩn: bệnh nhân bị nhiễm vi-rút nhưng không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Những người ở thể ẩn trong cơ thể vẫn có kháng thể đặc hiệu bảo vệ trước vi-rút nếu có tái nhiễm.
* Thể có triệu chứng lâm sàng điển hình, diễn biến của bệnh thường theo 4 giai đoạn sau:
- Giai đoạn khởi phát: từ 1-2 ngày đầu với các triệu chứng sốt cao, đau đầu, hội chứng thần kinh chưa rõ nét.
- Giai đoạn toàn phát: 3-6 ngày sau, bệnh nhân sốt rất cao (94,5%), có rối loạn thần kinh thực vật, vã mồ hôi. Diễn biến của bệnh có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng và có thể hôn mê, phản xạ gân xương tăng, dấu hiệu màng não rõ. Bệnh nhân có co giật (trên 80%), tiếp theo là liệt khu trú, có thể có cử động bất thường như múa vờn, múa giật và có các phản xạ bệnh lí... Co giật thường gặp ở trẻ em hơn là người lớn. Đa số các trường hợp tử vong vào giai đoạn này của bệnh.
- Giai đoạn tiến triển bán cấp: 7-9 ngày sau, hội chứng não, màng não giảm, đỡ sốt, mạch ổn định. Ở giai đoạn này có thể có biến chứng do năm lâu. Bệnh nhân có thể tử vong nếu có biến chứng tim, phổi.
- Giai đoạn hồi phục:bệnh nhân chỉ còn sốt nhẹ, tỉnh dần. Tùy thương tổn mà bệnh nhân có thể bị những di chứng thần kinh hoặc không. Di chứng sớm thường xuất hiện như liệt nhẹ toàn thân hoặc nửa người; liệt tay thường gặp hơn liệt chân, cấm khẩu, kém trí nhớ. Di chứng muộn như động kinh, Parkinson. Có những trường hợp sau hai năm mới xuất hiện di chứng.
* Thể cụt: bệnh nhân chỉ mắc bệnh 2-3 với triệu chứng sốt không cao rồi khỏi hoàn toàn.
Chẩn đoán
* Chẩn đoán lâm sàng: Dựa vào các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân, các yếu tố dịch tễ như mùa, lứa tuổi, tình trạng tiêm vắc-xin.
* Chẩn đoán phòng thí nghiệm: có tính chất quyết định.
- Nuôi cấy, phân lập vi-rút, kĩ thuật RT-PCR, miễn dịch huỳnh quang gián tiếp, kĩ thuật trung hòa giảm mảng hoại tử...
- Chẩn đoán phát hiện kháng thể đặc hiệu IgM (MAC-ELISA): là kĩ thuật được áp dụng rộng rãi tại các trung tâm y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh.
Điều trị
Cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh viêm não Nhật Bản. Điệu trị triệu chứng là chủ yếu, trong đó công tác hộ lí là quan trọng, thông thoáng đường hô hấp, tránh ứ đọng đờm dãi, đảm bảo chế độ dinh dưỡng, cân bằng nước, điện giải; điều trị chống nhiễm khuẩn, chống loét, di chứng...
Phòng bệnh
* Phòng bệnh chung: truyền thông cho nhân dân biết về bệnh viêm não Nhật Bản, vi-rút gây bệnh, ổ chứa bệnh trong tự nhiên, muỗi truyền bệnh để có thể phát hiện sớm bệnh, tự thực hiện các biện pháp phòng tránh.
- Vệ sinh nhà, vườn quang đãng, sạch sẽ; loại trừ dụng cụ phế thải chứa nước ứ đọng, đậy kín các dụng cụ chứa nước để loại trừ muỗi, bọ gậy...
- Rời chuồng súc vật ra xa nhà ở, vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, phun thuốc hoặc xông khói diệt muỗi.
- Nằm màn tránh muỗi, dùng lưới chắn muỗi ở cửa sổ, cửa ra vào; diệt muỗi bằng vợt, đèn bắt muỗi; khi mật độ muỗi quá cao có thể dùng hóa chất diệt muỗi.
* Phòng bệnh đặc hiệu: tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho các đối tượng có nguy cơ cao. Vắc-xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản đã được đưa vào chương trình tiêm chủng thường xuyên, miễn phí từ nhiều năm nay. Hiệu quả phòng bệnh của vắc-xin khá cao và bền vững. Dó đó, những năm gần đây tình dịch bệnh viêm não Nhật Bản cũng giảm đi rõ rệt.
Ths. BS. Lê Phụng Đại
Trưởng khoa Xét nghiệm – Chẩn đoán hình ảnh – Thăm dò chức năng