date
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KIẾM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THANH HÓA

HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM

Đăng lúc: 19:35:56 28/11/2024 (GMT+7)

Sáng 28/11/2024, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm với các điểm cầu các tỉnh, thành trong cả nước. PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, chủ trì hội nghị. Chủ trì tại điểm cầu của tỉnh Thanh Hóa có Ts. Lương Ngọc Trương – Phó giám đốc CDC Thanh Hoá

        z6076331565356_15b1bf332e20c70f6fed47e6009611af.jpg


      Theo báo cáo tại hội nghị, một số bệnh lưu hành trên cả nước như: bệnh 
sốt xuất huyết có 125.941 trường hợp mắc, 20 ca tử vong (so với cùng kỳ năm 2023 giảm 19,8%, tử vong giảm 22 ca); bệnh tay chân miệng có 72.453 trường hợp, số mắc giảm 55,9%; Bệnh cúm mùa 264.830 trường hợp mắc, 8 ca tử vong (so với cùng kỳ năm 2023 giảm 9,5%, tử vong tăng 7 trường hợp)…

Bệnh truyền nhiễm cơ bản vẫn được kiểm soát, số mắc, tử vong do các bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, giảm so với cùng kỳ năm trước; bệnh dại và các bệnh dự phòng bằng vắc xin (sởi, ho gà...) ghi nhận số mắc tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Ghi nhận 2 trường hợp mắc cúm A(H5N1), trong đó có trường hợp tử vong (là trường hợp mắc thứ 3 và là ca tử vong đầu tiên kể từ năm 2014).

Dịch bệnh truyền nhiễm luôn diễn biến khó lường và tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới, các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới. Thời gian tới, khí hậu mùa đông xuân thuận lợi cho bệnh truyền nhiễm lây lan, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa.

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố giao trách nhiệm cho UBND các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch bệnh và công tác tiêm chủng mở rộng.

Tại Hội nghị, điểm cầu Thanh Hoá đã có tham luận về tình hình dịch sởi và kết quả chiến dịch tiêm MR tại tỉnh.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục đánh giá nguy cơ để đề xuất biện pháp phòng chống dịch phù hợp; theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh, không để dịch lây lan, bùng phát; cấp cứu, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong; Tăng cường tổ chức tập huấn, năng cao năng lực giám sát, điều trị tại các tuyến. Khẩn trương rà soát đối tượng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ các mũi vắc xin phòng bệnh sởi trong TCMR; đẩy nhanh tiến độ triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch sởi năm 2024; tuyên truyền, vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sởi và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Bộ Y tế nhận định, trong thời điểm chuyển mùa hiện nay, thời tiết thay đổi bất thường tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm, diễn biến khó lường, có thể bùng phát thành dịch lớn. Các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh; huy động sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh đó, tăng cường khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng vệ sinh phòng bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, cung cấp đủ nước uống, nước sạch và thường xuyên vệ sinh môi trường; triển khai kịp thời và hiệu quả các biện pháp chuyên môn về phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường truyền thông về phòng chống bệnh truyền nhiễm, tiêm chủng vắc xin và thay đổi hành vi, nâng cao sức khoẻ.

Lê Huyền – Khoa TTGDSK

Truy cập

Hôm nay:
66
Hôm qua:
249
Tuần này:
2130
Tháng này:
28192
Tất cả:
630895