Phòng bệnh bạch hầu tại cộng đồng
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.
Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, có thể có ho, sốt, viêm họng, mũi, thanh quản, nuốt đau, chán ăn, mệt, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng thường có giả mạc (hay còn gọi là màng viêm) màu trắng ở hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Trường hợp nặng có thể người bệnh có các biểu hiện sưng to cổ, khó thở, biến chứng viêm cơ tim gây biến chứng nguy hiểm và tử vong.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thanh Hóa khuyến cáo các biện pháp sau:
· Tiêm chủng vaccine bạch hầu cho: trẻ sơ sinh từ 6 tháng tuổi, trẻ em dưới 15 tuổi, người cao tuổi có bệnh nền mạn tính, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ chuẩn bị manng thai, người sống trong gia đình có người mắc bạch hầu, người chăm sóc bệnh nhân bạch hầu…
· Nên rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
· Không gian sống cần được thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
· Vệ sinh sạch sẽ các vật dụng, rửa sàn nhà, quần áo, chăn mền, các đồ dùng…
· Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Tình hình bệnh bạch hầu ở nước ta
Bệnh bạch hầu là bệnh có vaccine phòng bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Những năm gần đây, số ca mắc bệnh bạch hầu ở nước ta giảm nhiều lần so với trước khi bắt đầu triển khai tiêm chủng mở rộng, từ gần 3.500 trường hợp mắc năm 1983 xuống còn khoảng từ 10 đến 50 trường hợp mắc/năm (trong vòng 15 năm trong giai đoạn từ 2004-2019).
Bệnh bạch hầu đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vaccine phòng bệnh và thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, không tiêm đủ mũi hoặc không được tiêm nhắc lại.
Tại Thanh Hóa:
Thanh Hoá đang nằm trong nhóm địa phương có nguy cơ thấp. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng khan hiếm, thiếu hụt cục bộ các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng xảy ra do đứt gãy chuỗi cung ứng từ tuyến trung ương dẫn đến thiếu hụt vắc xin thành phần DPT-VGB-Hib sử dụng cho trẻ dưới 1 tuổi, vắc xin DPT sử dụng cho trẻ 18-24 tháng tuổi, vì thế độ bao phủ vắc xin đạt thấp, nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn, nhất là với các đối tượng chưa được tiêm chủng.
Ngày 9/7/2024 Sở Y tế tổ chức hội nghị với giám đốc Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố và lãnh đạo Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá bàn phương án phòng chống bệnh bạch hầu.
Tại hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Bá Cẩn, Quyền Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh, trên địa bàn tỉnh hiện chưa ghi nhận các trường hợp mắc bệnh bạch hầu, tuy nhiên là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, di biến động dân cư lớn. Thêm vào đó, hiện tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ còn chưa cao, chính vì vậy nguy cơ xâm nhập ca bệnh bạch hầu vào địa bàn là rất cao. Trước tình hình đó, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị y tế chủ động tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu, không để dịch lây lan và bùng phát trên địa bàn. Theo đó, các đơn vị cần giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu, ho gà, sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác, phát hiện sớm các trường hợp bệnh, xử lý kịp thời, triệt để không để dịch bệnh bùng phát.
Đồng chí Quyền Giám đốc Sở Y tế đề nghị giám đốc các Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố phân công nhiệm vụ, trách nhiệm của các thành viên trong đơn vị chịu trách nhiệm cụ thể; giám sát phát hiện sớm từ ngay xã, phường, không để lọt, sót các yếu tố nguy cơ; rà soát số trẻ trong độ tuổi chưa được tiêm, tiêm chưa đủ liều để đề nghị cấp bổ sung vắc xin khẩn trương tiêm bù cho trẻ.
Đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với dịch bệnh, trình UBND tỉnh phê duyệt. Từ đó tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch; tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ và các trường hợp nguy cơ để có biện pháp xử lý triệt để, không để dịch bùng phát.
Khoa TTGDSK - Trung tâm KSBT
- Những cách phòng bệnh sởi cần biết
- KHUYẾN CÁO PHÒNG CHỐNG BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ (MPOX)
- Khởi động Dự án tăng cường năng lực hệ thống y tế để quản lý trầm cảm tại cộng đồng
- Xử lý nước ăn uống và vệ sinh môi trường sau bão lụt
- Phòng bệnh bạch hầu tại cộng đồng
- Hưởng ứng ngày dân số thế giới 11 tháng 7 năm 2024
- NGƯỜI CÁN BỘ “KẾT KHOẢNG CÁCH - NỐI YÊU THƯƠNG”
- THANH HÓA TRIỂN KHAI BỔ SUNG VITAMIN A ĐỢT 1 NĂM 2024
- Phòng bệnh tay chân miệng
- Thông điệp truyền thông Ngày vi chất dinh dưỡng (1-2/6/2024)