Thuốc lá và các bệnh đường hô hấp
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về phổi, điển hình là ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Hút thuốc lá và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Những người hút thuốc có nguy cơ cao mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Hút thuốc liên quan tới 90% của tổng số các ca mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Theo tổ chức Y tế thế giới (2019), bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân tử vong đứng thứ 3 trên thế giới. Trên thế giới, năm 2019 có khoảng 600 triệu người mắc và dự đoán tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong sẽ tiếp tục tăng lên.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là tình trạng bệnh lí đặc trưng bởi tình trạng tắc nghẽn đường thở không hồi phục do quá trình viêm mạn tính toàn bộ đường dẫn khí, nhu mô và mạch máu phổi. Do vậy người bệnh có các dấu hiệu: Ho, khạc đờm kéo dài thường nhiều năm; Khó thở tăng dần theo thời gian và tăng lên do các hoạt động gắng sức về sau khó thở thường xuyên liên tục kể cả khi nghỉ ngơi. Chẩn đoán xác định bệnh dựa vào tình trạng tắc nghẽn đường thở không hồi phục khi đo chức năng hô hấp. Bệnh tiến triển kéo dài trong nhiều năm, cuối cùng dẫn đến tâm phế mạn và tử vong.
Hút thuốc lá và ung thư phổi
Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. Trong khói thuốc lá có rất nhiều chất gây độc và gây hại, các chất này gây hư biến niêm mạc, biến đổi tế bào dẫn đến ác tính hoá.
Theo chương trình phòng chống tác hại thuốc lá quốc gia, 90% các trường hợp được chẩn đoán ung thư phổi hàng năm trên thế giới là người hút thuốc lá. Nguy cơ mắc ung thư phổi ở người hút thuốc lá cao hơn so với người không hút thuốc lá từ 6 đến 30 lần phụ thuộc vào độ tuổi bắt đầu hút thuốc, thời gian hút thuốc, lượng thuốc hút hàng ngày. Tuổi bắt đầu hút thuốc càng sớm, nguy cơ mắc ung thư phổi càng cao. Thời gian hút thuốc càng dài và số lượng thuốc hút càng nhiều thì nguy cơ càng cao.Ngừng hút thuốc lá có thể làm giảm đáng kể nguy cơ bị ung thư phổi.
Hút thuốc là và Hen phế quản
Hút thuốc lá không phải là nguyên nhân của bệnh hen, nhưng khói thuốc lá gây ra hiện tượng tăng tính đáp ứng của đường thở do đó có thể làm khới phát cơn hen. Khói thuốc lá cũng làm tăng tiết đờm, giảm cử động của lông chuyển phế quản, tăng nhạy cảm với nhiễm trùng, tăng giải phóng các chất dị ứng và phá huỷ các đường dẫn khí nhỏ do đó làm cho tình trạng bệnh hen nặng lên. Bệnh nhân mắc hen có hút thuốc lá sẽ mắc tình trạng chồng lắp Hen – Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sẽ khó điều trị và tăng nguy cơ tử vong sớm. Tỷ lệ tử vong của của người bị bệnh hen đang hoặc đã hút thuốc lá tăng gấp 2 lần so với những ngưòi không hút thuốc lá.
Hút thuốc lá và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp
Bên cạnh đó, hút thuốc cũng làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể; làm tăng nguy cơ và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phổi, lao phổi, bệnh cúm…Theo Tổ chức Y tế thế giới những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe do COVID-19 cao hơn so với những người không hút thuốc.
Hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng lên sức khỏe con người mà còn tăng gánh nặng về chi phí; Bởi vậy bỏ thuốc lá sẽ mang lại nhiều lợi ích cho bản thân và xã hội; Vì bản thân và cộng đồng mọi người hãy bỏ thuốc lá.
Nguyễn Văn Thanh
Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Thanh Hóa
- Những cách phòng bệnh sởi cần biết
- KHUYẾN CÁO PHÒNG CHỐNG BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ (MPOX)
- Khởi động Dự án tăng cường năng lực hệ thống y tế để quản lý trầm cảm tại cộng đồng
- Xử lý nước ăn uống và vệ sinh môi trường sau bão lụt
- Phòng bệnh bạch hầu tại cộng đồng
- Hưởng ứng ngày dân số thế giới 11 tháng 7 năm 2024
- NGƯỜI CÁN BỘ “KẾT KHOẢNG CÁCH - NỐI YÊU THƯƠNG”
- THANH HÓA TRIỂN KHAI BỔ SUNG VITAMIN A ĐỢT 1 NĂM 2024
- Phòng bệnh tay chân miệng
- Thông điệp truyền thông Ngày vi chất dinh dưỡng (1-2/6/2024)