date
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KIẾM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THANH HÓA

Sống vì những hoài bão bảo vệ cộng đồng

Đăng lúc: 08:10:58 10/07/2024 (GMT+7)

Dáng người đậm, nói chuyện mộc mạc, chân thành, Nguyễn Hữu Việt là thành viên nhóm đồng đẳng MSM (nam có quan hệ tình dục đồng giới), từ đầu năm 2024 - với vai trò là Giám sát viên các hoạt động tiếp cận cộng đồng, can thiệp giảm thiểu tác hại dự phòng lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tại Thanh Hóa. Hơn 5 năm qua, Việt đã có nhiều đóng góp tích cực cho hoạt động này.

       Là một thành viên hoạt động trong nhóm “Kỳ Lân”, Việt là một trong những người tham gia từ những ngày đầu tiên thành lập nhóm. Anh cho biết: ban đầu chỉ có mấy thành viên, nhưng đến nay đã có 35 tiếp cận viên nòng cốt. Công việc chính của nhóm MSM  là cung cấp kiến thức về HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), tăng cường truyền thông nhằm giảm sự kỳ thị của cộng đồng tới nhóm MSM, tạo ra các sân chơi lành mạnh cho các nhóm MSM và giao lưu với tất cả mọi người, từ đó có thể tìm ra được những MSM chưa dám bộc lộ giới tính của mình, hướng họ vào các cuộc chơi lành mạnh. Tiếp cận người nhiễm HIV, các đối tượng nguy cơ cao như gái mại dâm, người nghiện chích ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM)… để tuyên truyền, vận động họ thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV cho bản thân, cộng động; giảm kỳ thị, kết nối điều trị HIV cho người nhiễm HIV/AIDS.  Ngoài ra, nhóm còn thực hiện các hoạt động như cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV tại cộng đồng; giới thiệu, hướng dẫn các đối tượng có nguy cơ cao đăng ký nhận sinh phẩm xét nghiệm Online; cấp phát các vật dụng giảm tác hại lây nhiễm HIV như bao cao su, chất bôi trơn, chuyển gửi khách hàng đến các dịch vụ phù hợp như: xét nghiệm HIV khẳng định, điều trị ARV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP)…

MSM.jpg
Tiếp cận, cấp phát bao cao su, chất bôi trơn cho người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV

     Mỗi ngày, Việt đều dành thời gian lên mạng xã hội, rồi trực tiếp đi đến các tụ điểm để tiếp cận những người có nguy cơ cao nhiễm HIV thuộc nhóm nam MSM để tuyên truyền, vận động họ tham gia vào các hoạt động xét nghiệm sàng lọc, sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm an toàn, đưa họ tiếp cận các dịch vụ y tế như xét nghiệm HIV, kết nối điều trị HIV… Việt cho biết: "Mình làm công việc bán hàng, cũng thoải mái thời gian nên có thể sắp xếp để tham gia các hoạt động vì cộng đồng. Tiếp xúc với những khách hàng đầu tiên, mình nhớ là họ rất buồn, luôn suy nghĩ đến cái chết. Với những trường hợp bi quan, nhóm mình thường xuyên phải mời họ đi café, gặp gỡ để tâm sự, nhắc nhở phải luôn chú ý sức khỏe, uống thuốc và điều trị đúng cách. Quan điểm của mình là khi khách mắc căn bệnh thế kỷ đã rất đau khổ, vì thế, bản thân phải luôn đặt vị trí của mình vào khách hàng để thấu hiểu những nỗi đau mà họ phải chịu, từ đó có biện pháp để giúp họ vượt qua ám ảnh, bước ra khỏi bóng tối để hướng đến cuộc sống tốt hơn".

             Tuy nhiên, công việc của nhóm không phải lúc nào cũng dễ dàng và thuận lợi vì các đối tượng MSM đều ngại công bố danh tính, không muốn để cộng đồng hoặc người khác biết về mối quan hệ MSM của mình, họ sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử, nhiều người sợ cả chính các thành viên trong gia đình biết. Vì vậy để tiếp xúc đối tượng hoặc để họ thừa nhận hành vi MSM đã là rất khó khăn chứ chưa đến phần tư vấn họ sử dụng biện pháp an toàn hoặc đi xét nghiệm HIV.

Nhiều lần Việt cùng các bạn trong nhóm”Kỳ Lân” tận tụy, nhiệt tình tư vấn cho đối tượng, hẹn gặp mặt để tư vấn, xét nghiệm, khách hàng lại từ chối tham gia. Mỗi lần bị từ chối, các thành viên trong nhóm lại động viên lẫn nhau, tìm cách để tiếp xúc nói chuyện với khách hàng, bản thân là đồng đẳng nên các thành viên trong nhóm cũng phần nào nắm được tâm lý của cộng đồng MSM. Từ e dè, sợ gặp mặt người lạ, chính nhờ sự kiên trì, chân thành của các thành viên nên các hoạt động khám, tư vấn, xét nghiệm từ mô hình hoạt động của nhóm liên tục được triển khai. Chỉ tính riêng năm 2023, Việt cùng nhóm nồng cốt đã tổ chức hàng chục buổi truyền thông nhóm nhỏ, đối tượng tham dự các buổi truyền thông này chủ yếu là MSM. Tại các buổi truyền thông này Việt cùng các bạn tổ chức truyền thông về dự phòng lây nhiễm HIV, giới thiệu, chuyển gửi người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV đến chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV và cấp bao cao su, chất bôi trơn cho người tham dự.

            Theo Việt các đồng đẳng viên hiện đang hoạt động ở Thanh Hóa đều ít nhất tham gia một nhóm Zalo nhất định chia sẻ thông tin, hỗ trợ khách hàng. Trong đó, nhóm gái mại dâm, bạn tình có ‘H’, nhóm MSM, tiêm chích ma túy… là các đối tượng có nguy cơ cao nhiễm HIV. Từ khi tham gia công việc này, đến nay Việt đã thực hiện tư vấn, hỗ trợ cho hàng trăm lượt khách hàng; hỗ trợ cho trên dưới 50 người nhiễm HIV dùng thuốc ARV.

Ông Phạm Hữu Hà, công tác tại khoa Phòng, chống HIV/AIDS (CDC Thanh Hóa) cho biết: “Tôi đánh giá cao các công việc cũng như thành quả mà các nhóm Tiếp cận cộng đồng MSM mang lại. Kết quả phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua, ngoài sự tham gia của cả hệ thống chính trị, ngành y tế, còn có sự đóng góp không nhỏ của các tổ chức xã hội. Các nhóm đồng đẳng viên đã có nhiều việc làm sáng tạo, các thành viên nhóm rất nhiệt tình, thành quả mà các nhóm đạt được góp phần không nhỏ trong việc giảm lây nhiễm HIV ra cộng đồng. Hiện tại công việc trọng tâm của các thành viên trong nhóm đặt ra trong năm nay là: Tăng cường, đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm giảm phân biệt kỳ thị trong nhóm MSM, quảng bá giới thiệu người có nguy cơ cao đi điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), tư vấn tuân thủ điều trị trong điều trị PrEP”.

            Âm thầm, lặng lẽ, hơn 5 năm qua, Việt cùng các tình nguyện viên của nhóm “Kỳ Lân” tại Thanh Hóa đang từng ngày, từng giờ cho đi yêu thương những người cùng cảnh ngộ. Họ chính là "cánh tay nối dài" của ngành Y tế, đã giúp cho các đối tượng nguy cơ cao lây nhiễm HIV, người nhiễm HIV sớm tiếp cận các dịch vụ trong dự phòng và điều trị HIV, qua đó giúp giảm bớt sự lây nhiễm ra cộng đồng./.

 

                                                                Ths. Nguyễn Thị Thanh Xuân – Khoa TT.GDSK

Truy cập

Hôm nay:
307
Hôm qua:
254
Tuần này:
2065
Tháng này:
9095
Tất cả:
600162