date
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KIẾM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THANH HÓA

BỔ SUNG VI CHẤT DINH DƯỠNG – VẤN ĐỀ CẦN ĐƯỢC ĐẶC BIỆT QUAN TÂM

Đăng lúc: 20:38:52 23/09/2019 (GMT+7)

Thiếu vi chất dinh dưỡng theo Tổ chức Y tế Thế giới là vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng trên thế giới. Cũng theo Tổ chức Y tế thế giới ước tính trên thế giới có trên 2 tỉ người bị thiếu máu, gần 2 tỉ người thiếu iốt và 254 triệu trẻ em tuổi tiền học đường bị thiếu vitamin A. Có 779 triệu người bị thiếu máu, 624 triệu người bị thiếu iốt và 127 triệu trẻ em tuổi tiền học đường bị thiếu vitamin A ở các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.

3. Cho trẻ uống Vitamin A tại Trạm Y tế Phường Ba Đình - Thị xã Bỉm Sơn.jpg
 Cho trẻ uống Vitamin A tại Trạm Y tế Phường Ba Đình - Thị xã Bỉm Sơn

        Tuy cơ thể chỉ cần với một lượng nhỏ vi chất dinh dưỡng nhưng khi thiếu những vi chất này sẽ gây rất nhiều hậu quả trầm trọng. Thiếu vi chất dinh dưỡng được xem là “nạn đói tiềm ẩn” ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi đồng thời là nguy cơ đối với sức khỏe của trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ. Thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, trí tuệ, khả năng sinh sản và lao động của người lớn, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em. Thiếu vi chất dinh dưỡng không chỉ gây ra một số bệnh đặc hiệu như bệnh khô mắt, mù lòa do thiếu vitamin A, bệnh thiếu máu do thiếu sắt, bệnh bướu cổ và đần độn do thiếu iốt, bệnh còi xương ở trẻ em, loãng xương ở người lớn tuổi mà còn là những yếu tố nguy cơ làm nặng thêm tình trạng nhiễm trùng và bệnh mãn tính, tác động đáng kể đến tình hình bệnh tật, tử vong và chất lượng cuộc sống.

Trong một báo cáo gần đây (năm 2013) của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, trẻ em Việt Nam từ 6 tháng đến 12 tuổi thiếu vi chất nghiêm trọng. Có hơn 50% trẻ em thiếu hụt các vi chất như vitamin A, B1, C, D và sắt trong khẩu phần ăn hàng ngày, điều đó cho thấy bữa ăn truyền thống chưa đáp ứng được nhu cầu của trẻ em trong giai đoạn phát triển rất nhanh. Có 3 bệnh do thiếu vi chất dinh dưỡng quan trọng đang tác động đến sức khỏe cộng đồng là bướu cổ do thiếu iod, thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt và khô mắt do thiếu vitamin A. Ngoài ra, hiện nay một vấn đề cũng cần quan tâm đó là bệnh còi xương do thiếu vitamin D, vì hậu quả của thiếu vi chất này sẽ ảnh hưởng đến tầm vóc của con người.

Nguyên nhân của tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng là do khẩu phần ăn của người dân không đảm bảo cung cấp đủ các vi chất dinh dưỡng quan trọng cho nhu cầu cơ thể, đặc biệt trong một số giai đoạn quan trọng như phụ nữ đang mang thai, cho con bú, trẻ em đang tuổi lớn. Theo điều tra khẩu phần của Viện Dinh dưỡng, khẩu phần ăn của người dân Việt Nam hầu hết không đáp ứng đủ 100% nhu cầu về các vitamin và chất khoáng. Bên cạnh đó, vi chất dinh dưỡng từ nguồn thức ăn động vật có giá trị sinh học cao hơn, cơ thể dễ hấp thu và sử dụng hơn so với thức ăn nguồn gốc thực vật, nhưng các thức ăn động vật đều có giá thành cao nên làm giảm sự tiếp cận thường xuyên của người dân với nguồn vi chất dinh dưỡng có giá trị sinh học cao đặc biệt người dân ở nông thôn, miền núi và các vùng khó khăn.

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm nhanh và bền vững, tỷ lệ duy dinh dưỡng nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi giảm còn 13,8%, chấm dứt tình trạng mù lòa do thiếu vitamin A…

Suy dinh dưỡng thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng là những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao thấp ở thanh niên Việt Nam. Ngoài ra, thiếu vi chất dinh dưỡng còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tới sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em và khả năng sinh sản cũng như năng suất lao động của người lớn.

Theo số liệu năm 2018, tại 7 huyện nghèo 30a  của tỉnh Thanh Hóa vẫn còn 21,3% trẻ SDD thể nhẹ cân; thể thấp còi chiếm tới gần 36% (tỷ lệ chung của cả tỉnh là 15,6% trẻ SDD thể nhẹ cân và 26,7% trẻ SDD thể thấp còi trong khi đó tỷ lệ trẻ SDD trên toàn quốc là 12,5% SDD thể nhẹ cân và 22,2% trẻ SDD thể thấp còi). Do Thanh Hoá là tỉnh lớn, dân số đông thứ 3 sau thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội nên số lượng trẻ SDD thấp còi ở Thanh Hoá về số tuyệt đối là cao nhất nước (khoảng gần 80.000 trẻ).

Suy dinh dưỡng thấp còi - thuật ngữ dinh dưỡng gọi đây là giai đoạn “ cửa sổ cơ hội” nghĩa là nếu can thiệp ngay trong giai đoạn này hiệu quả rất cao, còn sau thì ngược lại. Tuy nhiên can thiệp giai đoạn này thực ra hết sức đơn giản mà Tổ chức Y tế thế giới  đã khuyến cáo, đó là: chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai, cho trẻ bú sớm trong giờ đầu, bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho ăn sam hợp lý phối hợp cho bú đến trên 24 tháng. Tuy nhiên, trên thực tế những thực hành chăm sóc này không được thực hiện đầy đủ và thường xuyên. Hiện nay tại những huyện nghèo, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số trình độ dân trí thấp, tập quán sinh  hoạt lạc hậu, nên việc chăm sóc trẻ sau sinh còn nhiều hạn chế. Một số địa phương chỉ có khoảng 5-10% trẻ được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu. Một số nơi cho ăn dặm rất sớm, ảnh hưởng đến hấp thu của trẻ sau này. Những nguyên nhân trên  dẫn đến tình trạng SDD trẻ em tại các huyện vùng cao cao hơn nhiều so với các địa phương khác trong tỉnh, đồng thời cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ trẻ em SDD của tỉnh Thanh Hóa còn cao so với trung bình chung cả nước. Các hoạt động can thiệp dinh dưỡng đều dựa  vào nguồn kinh phí từ Chương trình dinh dưỡng Quốc gia với một số nội dung như: cân đo đánh giá tình trạng dinh dưỡng, thực hành dinh dưỡng và hỗ  trợ  mạng lưới.

Hiện Viện Dinh dưỡng khuyến nghị sử dụng đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày; khuyến khích lựa chọn và sử dụng thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng.

Cải thiện chất lượng bữa ăn, bổ sung vi chất dinh dưỡng được Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định là hết sức cần thiết ở tất cả các quốc gia, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Bổ sung đa vi chất dinh dưỡng có hiệu quả tới tăng trưởng và phát triển trẻ em nhiều hơn bổ sung một vi chất đơn lẻ.

Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, chủ động và an toàn nhất là thông qua nguồn thực phẩm để bổ sung vitamin và các khoáng chất trong từng bữa ăn, các nhà dinh dưỡng đã khuyến cáo bữa ăn cần đa dạng, phối hợp nhiều loại từ 4 nhóm thực phẩm và thường xuyên thay đổi ngay từ khi trẻ nhỏ mới bắt đầu ăn bổ sung (ăn dặm). Khuyến khích các bà mẹ cho con bú ngay sau sinh để trẻ bú được sữa non vì trong sữa non, hàm lượng vitamin A cao, giúp trẻ khỏe, tăng sức đề kháng và chống được bệnh. Trẻ nhỏ cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu vì sữa mẹ là nguồn thực phẩm tự nhiên có đủ vi chất dinh dưỡng, đáp ứng được nhu cầu của trẻ. Người dân nên lưu ý lựa chọn các thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày như muối tăng cường i-ốt, bột mỳ, tăng cường sắt-kẽm hoặc các thực phẩm có thành phần nguyên liệu có tăng cường vi chất dinh dưỡng này, dầu ăn tăng cường vitamin A.

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực cho cán bộ y tế và tuyên truyền viên cơ sở về tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ; Đưa vào hoạt động và nhân rộng mô hình các nhóm hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ trên địa bàn các huyện miền núi, đồng thời giúp nâng cao kiến thức và kỹ năng cho người chăm sóc trẻ, chủ yếu là các bà mẹ về nuôi con bằng sữa mẹ, và trang bị kiến thức về ăn dặm  cho trẻ; Nâng cao năng lực cho cán bộ y tế huyện, xã trong việc quản lý và điều trị trẻ suy dinh dưỡng cấp tính; Nâng cao năng lực cho các tuyên truyền viên cơ sở; cần phải  có  những  hình thức truyền  thông phù hợp với địa bàn, với  trình  độ  dân  trí  đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa...  Đặc  biệt  là, cần  ưu tiên  nguồn kinh phí để tổ chức thực hiện.

Năm nay, Bộ Y tế chọn Thanh Hoá là đại phương phát động Lễ Hưởng ứng Ngày Vi chất Dinh dưỡng Quốc gia với sự có mặt của Lãnh đạo Bộ Y tế, Lãnh đạo UBND tỉnh, các ban ngành đoàn thể, các Tổ chức chính trị xã hội và cộng đồng . Hy vọng đây là nguồn động viên, định hướng để Thanh Hoá nỗ lực rút ngắn khoảng cách với toàn quốc, góp phần sớm cải thiện và nâng cao chất lượng hoạt động dinh dưỡng cộng đồng. Tới đây Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật sẽ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tư vấn và cung cấp sản phẩm vi chất dinh dưỡng tại Trung tâm và trên địa bàn tỉnh. Chắc chắn đây sẽ là cơ hội tốt để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng có hiệu quả.

 Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng ngày càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Vì vậy cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành; sự quan tâm đặc biệt về nguồn lực của các cấp, các ngành đối với việc triển khai những đề án cải thiện tình trạng SDD; Nếu không hậu quả dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực sẽ bị giảm sút, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội lâu dài của địa phương.
Thiếu vi chất dinh dưỡng theo Tổ chức Y tế Thế giới là vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng trên thế giới. Cũng theo Tổ chức Y tế thế giới ước tính trên thế giới có trên 2 tỉ người bị thiếu máu, gần 2 tỉ người thiếu iốt và 254 triệu trẻ em tuổi tiền học đường bị thiếu vitamin A. Có 779 triệu người bị thiếu máu, 624 triệu người bị thiếu iốt và 127 triệu trẻ em tuổi tiền học đường bị thiếu vitamin A ở các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.

                                  TTƯT.TS. Lương Ngọc Trương
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
 
 

Truy cập

Hôm nay:
82
Hôm qua:
254
Tuần này:
1840
Tháng này:
8870
Tất cả:
599937