date
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KIẾM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THANH HÓA

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH GIUN SÁN Ở TRẺ EM

Đăng lúc: 11:00:47 23/12/2019 (GMT+7)

Theo Tổ chức Y tế Thế giới(WHO), hiện nay trên thế giới có khoảng 25% dân số bị nhiễm giun, chủ yếu ở các nước kém phát triển vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH GIUN SÁN Ở TRẺ EM


Theo Tổ chức Y tế Thế giới(WHO), hiện nay trên thế giới có khoảng 25% dân số bị nhiễm giun, chủ yếu ở các nước kém phát triển vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Nhiễm giun, sán thường không phải là bệnh nguy hiểm nhưng nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, thiếu máu, thiếu sắt, gầy yếu chậm lớn, ảnh hưởng đến trí tuệ và tinh thần.

Ai cũng có thể bị nhiễm giun, sán nếu không được quan tâm chăm sóc sức khỏe, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, ăn uống kém. Tuy nhiên, trẻ em là đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất, có 2 nhóm trẻ là 24 - 60 tháng tuổi và trẻ 6 - 11 tuổi, trẻ tiếp xúc nhiều với các yếu tố nguy cơ, lê la đất cát…

Tại Thanh Hóa, chương trình tẩy giun đồng loạt cho các cháu 2 - 11 tuổi qua hơn 10 năm được tiến hành mỗi năm 2 lần, đã đem lại kết quả khả quan và tỷ lệ nhiễm giun ở các cháu giảm đáng kể. Trước khi có chương trình tẩy giun đồng loạt năm 2006, tỷ lệ nhiễm giun ở các cháu vào khoảng 60-70%;  nay giảm còn 7-13%.

Nguyên nhân gây ra bệnh giun sán cũng rất đa dạng. Trẻ có thể bị nhiễm giun do các nguyên nhân dưới đây:

- Ăn thực phẩm không sạch sẽ, chưa được nấu chín: Các loại rau sống, món ăn tươi sống (gỏi cá, bò tái, hàu sống,...) tiềm ẩn nguy cơ chứa các loại ấu trùng giun sán như sán lợn, sán dây bò, sán lá gan,...Đây đều là những loại ký sinh trùng nguy hiểm và nguy cơ gây tử vong cao.

- Không tẩy giun: Nhiều cha mẹ thường xem nhẹ việc tẩy giun định kỳ cho trẻ. Trẻ đang trong giai đoạn phát triển, năng động, thích chơi đùa, sức đề kháng lại kém hơn so với người lớn do đó khiến trẻ rất nhạy cảm với mầm bệnh. Ba mẹ nên lưu ý tẩy giun định kỳ cho trẻ và cho cả các thành viên khác trong gia đình để phòng ngừa lây lan bệnh.

- Chơi đùa cùng thú nuôi: Động vật là vật chủ của nhiều loại giun sán nguy hiểm, nên trẻ hay chơi đùa với thú nuôi nhiễm giun sán có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Ngoài ra, trứng của các loài giun, có trong phân của vật nuôi và tồn tại rất lâu trong môi trường bên ngoài cũng là nguồn lây bệnh cho con người.

- Trẻ vệ sinh cá nhân không sạch sẽ: ấu trùng giun, sán không chỉ vào cơ thể qua đường tiêu hóa mà còn có khả năng xâm nhập qua những vùng da hở, trầy xước hoặc đang bị thương. Do đó, để phòng bệnh giun sán hiệu quả cần giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ, nhắc nhở trẻ phải rửa tay trước khi ăn và sau khi đi tiểu, đại tiện. Đặc biệt, đối với trẻ cành nhỏ thì càng cần phải chú ý hơn, vì trẻ có thể bò dưới đất và đưa bất kỳ vật gì lấy được vào miệng ngậm.

- Không giữ gìn vệ sinh môi trường: Giường, chiếu, nệm, sân chơi của trẻ,...không sạch sẽ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh giun sán. Do vậy, cần có các biện pháp vệ sinh như giặt chăn màn, chiếu gối thường xuyên, giữ gìn nhà cửa, vườn tược sạch sẽ, không phóng uế, vứt rác bừa bãi.

- Trẻ tiếp xúc với người mang bệnh: Người đang mang bệnh khi vui đùa, ăn uống cùng trẻ có thể truyền mầm bệnh cho trẻ. Giun kim thường lây truyền qua phương thức này.

Ở trẻ em thường hay nhiễm các loại giun sau:

1.  Giun đũa: Sống và ký sinh tại ruột non, có chiều dài 20-25cm to bằng chiếc đũa, đuôi nhỏ có mầu trắng đục, giun cái đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài thành ấu trùng giun. Người nuốt phải ấu trùng giun trong đất, cát vào cơ thể sẽ trở thành giun. Trong quá trình ký sinh trong ruột non của người, giun đũa gây tắc ruột, có thể chui vào ống mật, túi mật gây đau đớn cho bệnh nhân, thậm trí chui vào gan gây áp xe gan…

2. Giun tóc: Sống ký sinh tại manh tràng, hình sợi tóc có màu hồng nhạt hoặc trắng sữa; nếu nhiễm giun tóc nhẹ chỉ đau bụng, buồn nôn, táo bón, khó tiêu, nhức đầu, chán ăn. Nếu nhiễm nặng và kéo dài có thể gây ra sa trực tràng, gây thiếu máu.

3. Giun móc: Sống và ký sinh tại tá tràng, có màu trắng sữa hoặc hơi hồng, giun móc có các móc mấu vào niêm mạc tá tràng để hút máu, ở chỗ hút máu giun móc tiết ra chất chống đông máu làm cho vết thương chảy máu liên tục, dẫn đến tình trạng thiếu máu, da xanh, niêm mạc nhợt, hoa mắt, chóng mặt, trẻ chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng…

4. Giun kim: Sống và ký sinh tại đại tràng, có màu trắng sữa, nhỏ như kim khâu mắt thường nhìn thấy được, có kích thước 9-12mm. Trẻ bị nhiễm giun kim thường hay mất ngủ, bứt rứt bồn chồn. Đặc biệt là ngứa hậu môn, nguyên nhân là do giun kim cái về đêm thường ra ngoài hậu môn đẻ trứng. Những lúc ngứa hậu môn nếu soi đèn có thể phát hiện giun kim ở quanh hậu môn. Nhiễm giun kim có thể gây nguy hiểm như viêm ruột thừa cấp do giun kim chui vào ruột thừa, có thể giun kim lạc chỗ gây viêm âm đạo ở trẻ em gái…

Do đó, để phòng bệnh nên giữ vệ sinh thân thể, vệ sinh ăn uống, nhất là đối với trẻ em. Cụ thể là: Rửa tay sạch trước khi ăn, cắt ngắn móng tay, lau dọn nhà cửa sạch sẽ, thực hiện ăn chín uống sôi. Đồng thời không để trẻ lê la, nằm bò dưới đất, không để trẻ mặc quần bị thủng. Nên cho trẻ uống thuốc tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần bằng thuốc Albendazol 400mg liều duy nhất, hoặc Mebendazol 500mg liều duy nhất.

 

BSCKI. Lê Ngọc Lượng

Trưởng khoa Ký sinh trùng - Côn trùng

                                        Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thanh Hóa 

  

 

Truy cập

Hôm nay:
96
Hôm qua:
622
Tuần này:
2105
Tháng này:
7917
Tất cả:
491583