Nỗ lực duy trì thành quả loại trừ sốt rét
Sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là nỗ lực của ngành y tế, năm 2020 Thanh Hóa đã được công nhận đạt tiêu chí loại trừ sốt rét (SR) trên địa bàn. Để giữ các tiêu chí, ngành y tế tiếp tục triển khai đồng bộ các kế hoạch, giải pháp, quyết tâm không để dịch bệnh SR quay lại, bùng phát, lan rộng.
Với mục tiêu giữ vững thành quả công tác loại trừ SR, không để xuất hiện ca bệnh SR nội địa, không để dịch SR xảy ra, không để tử vong do SR, đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân, hàng năm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã xây dựng kế hoạch hoạt động chương trình phòng chống và loại trừ SR. Theo đó, trung tâm đã triển khai chủ động, tích cực và đồng bộ các biện pháp phòng, chống SR. Thường xuyên duy trì, củng cố các yếu tố bền vững trong công tác phòng chống SR để chuyển sang giai đoạn đề phòng SR quay trở lại, tiến tới cùng cả nước loại trừ SR vào năm 2030; tăng cường công tác giám sát tại các tuyến; bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang bị đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống và loại trừ SR; duy trì, củng cố các yếu tố bền vững trong công tác phòng chống SR... Thông qua việc triển khai kế hoạch, tạo nên sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội và cộng đồng trong việc chủ động phòng, chống và loại trừ SR tại Thanh Hóa.
Tại huyện Mường Lát, công tác phòng chống SR nhiều năm qua giữ được ổn định, không có ký sinh trùng (KST) SR nội địa, bệnh nhân SR ngoại lai giảm so với các năm trước, không để dịch SR xảy ra, huyện đã được công nhận loại trừ SR; các chỉ tiêu kế hoạch về công tác phòng chống SR đều đạt và vượt kế hoạch.
Ông Hồ Văn Trọng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Lát cho biết: Để chủ động phòng chống SR, ngay từ đầu năm 2021, Trung tâm Y tế huyện chỉ đạo các trạm y tế xã nhằm tăng cường công tác phòng chống và loại trừ SR trên địa bàn toàn huyện. Trung tâm Y tế còn chỉ đạo các trạm y tế xã tăng cường công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng chống bệnh SR nhất là ở những nơi có di biến động. Công tác truyền thông được thực hiện với nhiều hình thức phong phú đến các địa bàn dân cư, như: nói chuyện sức khỏe, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh, treo băng rôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi, tuyên truyền qua loa di động..., giúp người dân chủ động phòng, chống bệnh, nhất là duy trì “Diệt muỗi, diệt loăng quăng phòng bệnh SR”.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, để chủ động phòng chống và loại trừ bệnh SR, mạng lưới y tế dự phòng đã đặt trọng tâm vào các hoạt động: điều tra dịch tễ - côn trùng SR, phát hiện các trường hợp mắc, điều trị KST tránh lây lan trong cộng đồng; tẩm màn hóa chất diệt muỗi vùng trọng điểm SR; nâng cao kỹ năng chẩn đoán, điều trị, xét nghiệm cho tuyến y tế cơ sở. Cùng với đó, các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố đã chủ động trong công tác giám sát tại địa phương, tập trung giám sát dịch tễ, đặc biệt tại các xã, phường có di biến động dân số cao (người đi làm ăn, sinh sống... từ vùng có dịch, bệnh SR trở về địa phương), cử cán bộ đến các thôn, bản tuyên truyền phòng chống SR. Cấp thuốc điều trị SR cho những người có nguy cơ cao, điều trị sớm, điều trị kịp thời, không bỏ sót ca bệnh. Kết hợp lấy lam máu soi tìm KST gây bệnh SR. Sử dụng thành thạo kỹ thuật xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh ở tất cả các điểm kính hiển vi trên địa bàn toàn tỉnh. Đến thời điểm này, tình hình SR trên địa bàn tỉnh ổn định, không có bệnh nhân SR, không có KST SR; các hoạt động phòng chống SR được triển khai thường xuyên, liên tục. 6 tháng năm 2021, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố đã tiến hành giám sát được 528 lượt xã, 2.067 lượt thôn bản, lấy 3.079 lam từ các đối tượng có nguy cơ, kết quả 100% lam âm tính. Tiến hành điều tra véc-tơ truyền bệnh SR tại 6/7 điểm điều tra, tại 6 xã của 6 huyện (Thạch Thành, Yên Định, Như Xuân, Nghi Sơn, Quan Sơn, Triệu Sơn) đạt 85,7% so kế hoạch. Công tác quản lý dân từ vùng SR lưu hành về được tăng cường.
Ông Đỗ Thanh Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Để giữ vững thành quả loại trừ bệnh SR của tỉnh, trung tâm với vai trò là đơn vị chuyên môn sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch hoạt động; bảo đảm đủ cơ số thuốc, hóa chất, vật tư phục vụ cho công tác phòng chống SR trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt chú trọng hoạt động giám sát phát hiện trường hợp SR lâm sàng, quản lý đối tượng giao lưu vùng SR lưu hành và kịp thời lấy lam xét nghiệm tìm KST SR; tiếp tục phối hợp giám sát việc phát hiện các ca bệnh, các đối tượng nguy cơ, muỗi truyền bệnh SR; giám sát hoạt động phòng chống theo quy định; giám sát việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh SR; kiểm tra kỹ thuật xét nghiệm của tuyến huyện và đánh giá hoạt động của các điểm kính; tập huấn về giám sát dịch tễ, giám sát véc-tơ phòng, chống SR cho y tế cơ sở...
Báo Thanh Hóa