date
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KIẾM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THANH HÓA

Nỗ lực ngăn chặn bệnh sốt rét quay trở lại

Đăng lúc: 10:24:24 25/04/2024 (GMT+7)

Sốt rét là một trong những căn bệnh truyền nhiễm phổ biến và là vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lấy ngày 25/4 hằng năm là Ngày Thế giới phòng chống sốt rét, mục đích nhằm nhấn mạnh cam kết cộng đồng về bệnh sốt rét cũng như sức mạnh toàn cầu trong việc đoàn kết vì mục tiêu chung hướng đến một thế giới không còn bệnh sốt rét. Tại Thanh Hóa, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, công tác phòng, chống dịch bệnh sốt rét đã và đang đạt được những kết quả tích cực

 bat n=muoi.jpg
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát muỗi truyền bệnh sốt rét
       Xác định việc nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống sốt rét là yếu tố quan trọng để hạn chế thấp nhất người mắc sốt rét lâm sàng, không lây lan thành dịch bệnh. Căn cứ kế hoạch của UBND tỉnh, hàng năm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xây dựng kế hoạch để bảo đảm theo các mục tiêu của Bộ Y tế, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương; phát triển và củng cố hệ thống giám sát, đánh giá từ tỉnh xuống đến cơ sở; xây dựng quy trình và hướng dẫn theo dõi giám sát cho từng tuyến; tăng cường quản lý và giám sát chặt chẽ vùng có dân di biến động; thực hiện chiến dịch phun tẩm hóa chất cho các hộ dân sống trong vùng sốt rét lưu hành. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố chủ động trong công tác giám sát ký sinh trùng sốt rét thường xuyên; tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống bệnh sốt rét; cung cấp tài liệu, hướng dẫn nội dung tuyên truyền cho trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền phòng, chống sốt rét tại các trạm y tế địa phương.

         Hằng năm, từ nguồn kinh phí sự nghiệp đã giám sát dịch tễ tại 27 huyện, thị xã, thành phố. Từ nguồn kinh phí Dự án RAI đã giám sát dịch tễ hỗ trợ chuyên môn cho các huyện và các xã thuộc dự án. Kết quả giám sát cho thấy 100% các đơn vị đều xây dựng và triển khai đầy đủ các nội dung hoạt động phòng, chống và duy trì thành quả loại trừ sốt rét; báo cáo hàng tháng trên hệ thống eCDS, giám sát dân di biến động, thuốc vật tư được bảo quản đúng quy định. Tăng cường giám sát chặt các đối tượng thường xuyên ra vào khu vực có dịch bệnh sốt rét lưu hành, có tiếp xúc với nguồn lây bệnh trong và ngoài nước, đặc biệt là những người từ vùng sốt rét lưu hành trở về địa phương.

         Từ năm 2020, Thanh Hóa đã được công nhận đạt tiêu chí loại trừ sốt rét; công tác phòng, chống sốt rét trong toàn tỉnh đã đạt được các mục tiêu của Trung ương: tình hình sốt rét ổn định, không có dịch sốt rét, không có tử vong do sốt rét; các hoạt động phòng chống sốt rét được triển khai thường xuyên, liên tục. Trong năm 2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành giám sát 49 lượt huyện và 96 xã, phường, thị trấn; vật tư, thuốc sốt rét tại các đơn vị giám sát đảm bảo chủ động điều trị khi có bệnh nhân sốt rét. Tiến hành điều tra vector truyền bệnh sốt rét tại 7/7 điểm điều tra của 7 huyện; giám sát hỗ trợ tuyến dưới (thuộc Dự án Sáng kiến khu vực ngăn chặn và loại trừ sốt rét kháng thuốc Artemisinin giai đoạn 2021-2023) 7/7 lượt giám sát tại 5 huyện Dự án RAI3E, tình hình sốt rét ổn định. 4 tháng đầu năm 2024, giám sát dịch tễ 11/43 lượt huyện, 22 lượt xã; giám sát điểm kính phát hiện ký sinh trùng sốt rét 6/19 lượt huyện, 12 lượt xã; giám sát vector truyền bệnh sốt rét 3/7 điểm điều tra, tổng số người nghi ngờ sốt rét và được xét nghiệm trong 3 tháng đầu năm 2023 là 2.206 người.

         Chia sẻ về những nỗ lực trong công tác phòng, chống và loại trừ sốt rét trên địa bàn tỉnh, ông Đỗ Thanh Tùng, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Để được công nhận đạt tiêu chí loại trừ sốt rét, hoạt động giám sát được thực hiện thường xuyên, liên tục để giám sát tình hình dịch tễ bệnh sốt rét tại các địa phương. Tất cả các ổ bệnh được giám sát và xử lý, không để lây lan, bùng phát dịch trong cộng đồng; duy trì các điểm kính hiển vi xét nghiệm lam máu có ký sinh trùng sốt rét tại các địa phương. Các kỹ thuật về chẩn đoán, điều trị sốt rét đã được cải thiện và đáp ứng yêu cầu; năng lực giám sát phát hiện của hệ thống y tế đã được nâng cao và bao phủ toàn diện; đã thực hiện phân vùng dịch tễ sốt rét cho từng huyện, xã... Đây là cơ sở quan trọng cho việc bố trí nguồn lực, lựa chọn các hoạt động ưu tiên và áp dụng các biện pháp can thiệp cần thiết về phòng chống và loại trừ sốt rét.
 

xn.jpg 
Soi lam kính tìm ký sinh trùng sốt rét
       Ngày Thế giới phòng chống sốt rét 25/4/2024 với chủ đề “Dồn tổng lực về đích để loại trừ sốt rét tại Việt Nam”, nhằm truyền thông rộng rãi tới người dân về phòng, chống và loại trừ sốt rét, thu hút sự quan tâm ủng hộ của các cấp lãnh đạo, đoàn thể, các tổ chức phi chính phủ đầu tư cho hoạt động phòng, chống và loại trừ sốt rét. Thanh Hóa đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về chính sách xã hội, chuyên môn kỹ thuật; đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân, đặc biệt người dân sống ở vùng sốt rét về các biện pháp phòng, chống muỗi truyền bệnh làm giảm mắc sốt rét. Đồng thời, tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát nhằm duy trì tình trạng không có sốt rét và ngăn ngừa bệnh sốt rét quay trở lại, tập trung vào việc giải quyết các vấn đề liên quan đến sốt rét ngoại lai. Duy trì hoạt động hiệu quả các điểm kính hiển vi tại xã, nhằm phát hiện bệnh sớm và phục vụ điều trị sớm, đúng hướng dẫn theo chủng loại ký sinh trùng tại cơ sở, bảo vệ thành quả loại trừ bệnh sốt rét, ngăn chặn sốt rét quay trở lại trên địa bàn.
                                                                             (Theo Báo Thanh Hóa)




Truy cập

Hôm nay:
193
Hôm qua:
323
Tuần này:
1474
Tháng này:
1016
Tất cả:
503621