date
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KIẾM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THANH HÓA

KINH NGHIỆM PHÒNG CHỐNG DỊCH SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE TẠI THANH HÓA NĂM 2018-2019

Đăng lúc: 11:00:20 23/12/2019 (GMT+7)

Bệnh sốt xuất huyết Dengue là bệnh nhiễm vi rút Dengue cấp tính do muỗi truyền. Bệnh có thể gây thành dịch lớn, số ca mắc tăng nhanh khiến công tác điều trị và chống dịch gặp nhiều khó khăn.

 KINH NGHIỆM PHÒNG CHỐNG DỊCH SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE

TẠI THANH HÓA NĂM 2018-2019

 

1. GĐ TTKSBT TH Chi dao ctac pc SXH Tai HA VINH..jpg 

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thanh Hóa chỉ đạo công tác phòng chống dịch SXH

                                                                                            tại xã Hà Vinh - Hà Trung

1.     Bệnh sốt xuất huyết Dengue là gì?

-  Bệnh sốt xuất huyết Dengue là bệnh nhiễm vi rút Dengue cấp tính do muỗi truyền. Bệnh có thể gây thành dịch lớn, số ca mắc tăng nhanh khiến công tác điều trị và chống dịch gặp nhiều khó khăn. Các ca bệnh nặng có thể gây tử vong nhất là ở trẻ em, thiệt hại về kinh tế - xã hội.

-  Bệnh sốt xuất huyết Dengue không lây trực tiếp từ người sang người mà do muỗi đốt người bệnh có mang vi rút sau đó truyền vi rút sang người lành qua vết đốt. Ở Việt Nam, hai loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue là Aedes AegyptiAedes Albopictus, trong đó quan trọng nhất là Aedes Aegypti.

-  Mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm và mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue nếu chưa có miễn dịch với vi rút Dengue. Thời kỳ ủ bệnh từ 3 – 14 ngày, trung bình từ 5 – 7 ngày. Bệnh có biểu hiện rầm rộ như sốt cao đột ngột, kéo dài 2 – 7 ngày, kèm theo các triệu chứng đau đầu, chán ăn, buồn nôn, đau hốc mắt, đau cơ khớp và có biểu hiện xuất huyết ở các mức độ khác nhau: da đỏ xung huyết, ban xuất huyết, đốm xuất huyết, chảy máu chân răng, chảy máu mũi,… Trường hợp nặng bệnh tiến triển dẫn tới tình trạng sốc: vật vã, li bì, mạch nhanh, huyết áp tụt, hôn mê và có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

-  Tính đến hết tháng 9/2019, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tỉnh Thanh Hóa đã ghi nhận 409 ca mắc sốt xuất huyết Dengue tại 233 xã/phường/thị trấn thuộc 27 huyện/thị xã/thành phố. Các ca bệnh tập trung tại một số huyện trọng điểm có ổ dịch cũ như Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Thiệu Hóa, Thạch Thành,… và các địa phương có sự giao thương lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội như TP Thanh Hóa, Sầm Sơn, Tĩnh Gia. Các ổ dịch quy mô nhỏ và vừa xuất hiện ở Thọ Xuân, Như Thanh được khoanh vùng xử lý sớm, theo dõi diễn biến dịch và thực hiện giám sát báo cáo theo quy định.

2.     Công tác phòng chống dịch chủ động khi chưa có ca bệnh

-  Truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống sốt xuất huyết Dengue qua hệ thống thông tin đại chúng như tivi, đài, báo, loa truyền thanh tại xã/phường/thị trấn được ưu tiên hàng đầu. Tuyên truyền về dấu hiệu phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ, các biện pháp phòng bệnh chủ động cho cá nhân và gia đình.

-  Công tác giám sát véc tơ truyền bệnh được Trung tâm Y tế huyện/thị xã/thành phố thực hiện định kỳ hàng tháng tại các xã nguy cơ cao.

-  Tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy với sự tham gia của các ban ngành như Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe ban đầu xã/phường/thị trấn, cán bộ trưởng thôn, các bộ các đoàn thể, Trung tâm Y tế huyện/thị xã/thành phố, Trạm Y tế xã/phường/thị trấn, đội ngũ Y tế thôn/bản cùng toàn thể người dân tại địa phương định kỳ hàng tuần với những xã nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần với những xã có chỉ số muỗi, bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần với các xã còn lại.

-  Phun hóa chất diệt muỗi được thực hiện tại các khu vực có chỉ số véc tơ truyền bệnh cao, nguy cơ xảy ra dịch lớn, cần thiết sử dụng hóa chất tiêu diệt đàn muỗi trưởng thành, khống chế không để dịch xuất hiện.

3.     Khi có ca bệnh sốt xuất huyết Dengue xác định

-  Ổ dịch sốt xuất huyết Dengue được xác định tại một địa phương (thôn/xóm/tổ/khu phố, cụm dân cư,…) khi có các ca bệnh lâm sàng xảy ra trong vòng 7 ngày hoặc một ca bệnh SXHD được chẩn đoán xác định phòng xét nghiệm, đồng thời phát hiện có lăng quăng/bọ gậy hoặc muỗi truyền bệnh trong phạm vi bán kính 200 mét. Người mắc bệnh và người nhiễm vi rút không triệu chứng là nguồn truyền bệnh quan trọng. Trong ổ dịch sốt xuất huyết Dengue cứ 1 trường hợp mắc bệnh điển hình thì có hàng chục trường hợp mang vi rút tiềm ẩn, không có triệu chứng nhưng vẫn có khả năng là nguồn bệnh để lây cho người khác.

-  Khi có một ca bệnh sốt xuất huyết Dengue đầu tiên được xác định, công tác chống dịch tại cộng đồng được triển khai nhanh chóng. Tổ chức vệ sinh môi trường đồng thời với việc phun hóa chất chống dịch xung quanh hộ gia đình bệnh nhân trong bán kính 200m. Tăng cường hoạt động truyền thông để người dân biết các dấu hiệu của bệnh, chủ động đến các cơ sở y tế thăm khám khi có triệu chứng sốt không rõ nguyên nhân. Theo dõi sát diễn biến tình hình dịch tại địa phương, kịp thời triển khai các biện pháp chống dịch tiếp theo.

-  Khi ghi nhận 2 ca bệnh sốt xuất huyết Dengue trở lên, tiến hành thu dung, cách ly bệnh nhân tại cơ sở y tế, thực hiện nằm màn 24/24h, điều trị theo phác đồ Bộ Y tế quy định. Khẩn trương tổ chức làm sạch môi trường, thả cá các dụng cụ chứa nước có thể tích lớn, lật úp các dụng cụ chứa chứa nước không sử dụng, phá hủy, thu gom các dụng cụ phế thải có khả năng đọng nước; mở rộng phạm vi phun hóa chất quy mô thôn, xã nhằm tiêu diệt đàn muỗi trưởng thành mang mầm bệnh đang lưu hành, xử lý, kiểm soát không để dịch mở rộng về số ca mắc cũng như vùng địa lý.

Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết Dengue chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là diệt muỗi, bọ gậy/lăng quăng và phòng chống muỗi đốt. Người dân cần chủ động phối hợp với ngành Y tế thực hiện các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết Dengue với phương châm “Không có bọ gậy/lăng quăng, không có muỗi truyền bệnh, không có bệnh sốt xuất huyết”./.

ThS. Bác sĩ: Trịnh Duy Khang

Phó Giám đốc Trung tâm KSBT Thanh Hóa

 

 

 

 

 

Truy cập

Hôm nay:
222
Hôm qua:
226
Tuần này:
906
Tháng này:
448
Tất cả:
503053