date
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KIẾM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THANH HÓA

Bệnh sởi - Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh

Đăng lúc: 11:22:56 02/04/2021 (GMT+7)

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên. Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hay xảy ra vào mùa đông xuân, có thể xuất hiện ở người lớn chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa đủ.

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên. Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hay xảy ra vào mùa đông xuân, có thể xuất hiện ở người lớn chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa đủ.

Tại Thanh Hóa theo ghi nhận của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm năm 2020 có 49 trường hợp mắc sởi phải nhập viện và điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng như viêm tai giữa, viêm phổi,viêm thanh quản, tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não tủy dễ dẫn đến tử vong.

1.      Nguyên nhân:

Bệnh sởi do vi rút sởi thuộc nhóm Paramyxovirus gây nên. Đây là loại vi rút có sức chịu đựng yếu, dễ bị tiêu diệt bởi các chất sát khuẩn thông thường, dưới ánh sáng mặt trời... vi rút sởi tồn tại ở họng và máu bệnh nhân từ cuối thời kỳ ủ bệnh đến sau khi phát ban một thời gian ngắn. Bệnh rất dễ lây, thường gặp ở trẻ em, gây viêm long ở đường kết mạc mắt, đường hô hấp, tiêu hóa và các phát ban đặc hiệu. Bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ đang mắc các bệnh cấp tính và mãn tính khác.

2.      Triệu chứng của bệnh

Đối với thể điển hình:

·       Giai đoạn ủ bệnh: từ 7-21 ngày (trung bình 10 ngày).

·       Giai đoạn khởi phát (giai đoạn viêm long): Từ 2-4 ngày với các biểu hiện sốt cao, viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc, đôi khi có viêm thanh quản cấp, có thể thấy hạt Koplik là các hạt nhỏ có kích thước 0,5-1 mm màu trắng/xám có quầng ban đỏ nổi gồ lên trên bề mặt niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm trên).

·       Giai đoạn toàn phát: kéo dài từ 2-5 ngày. Thường sau khi sốt cao 3-4 ngày, người bệnh bắt đầu phát ban, ban hồng dát sẩn, khi căng da thì tan biến mất, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ, dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần.

·       Giai đoạn phục hồi: Ban nhạt màu dần rồi sang màu xám, bong vẩy phấn xẫm màu, để lại vết thâm vằn da hổ và biến mất theo thứ tự như khi xuất hiện. Nếu không xuất hiện biến chứng thì bệnh tự khỏi. Có thể có ho kéo dài 1-2 tuần sau khi hết ban.

Ở thể không điển hình:

·       Biểu hiện có thể chỉ có sốt nhẹ thoáng qua, viêm long nhẹ, phát ban ít, toàn trạng tốt. Thể này dễ bị bỏ qua, dẫn đến lây lan bệnh mà không biết.

·       Tuy nhiên, người bệnh cũng có thể sốt cao liên tục, phát ban không điển hình, phù nề tứ chi, đau mỏi toàn thân, thường có viêm phổi nặng kèm theo.

3.      Các biện pháp phòng bệnh

-       Tiêm phòng vắc xin:

Để phòng ngừa bệnh sởi, tiêm vắc xin sởi là biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất. Để phòng bệnh có hiệu quả, theo khuyến cáo của ngành y tế trẻ  cần được tiêm đủ 2 mũi,  mũi thứ nhất khi trẻ đủ 9 tháng tuổi, mũi thứ  2 lúc trẻ 18 tháng tuổi.

Những người chưa được tiêm ngừa vắc xin sởi từ bé thì nên đi tiêm phòng, nếu đã từng được tiêm đủ 2 mũi thì không cần thiết phải tiêm thêm.

-       Vệ sinh cá nhân:

·       Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh và người nghi bị bệnh

·       Rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với người bệnh và người nghi bị bệnh.

·       Che miệng khi ho, hắt hơi.

-       Dinh dưỡng hợp lý: Cần nâng cao sức đề kháng bằng cách tăng cường dinh dưỡng đầy đủ, đề phòng  bị suy dinh dưỡng. Bổ sung dinh dưỡng bằng cách uống nhiều nước hoa quả, ăn lỏng, đủ chất dinh dưỡng và không nên ăn kiêng khem quá.

-       Vệ sinh môi trường: tẩy trùng sàn nhà, đồ chơi trẻ em. Trong trường hợp nhà có người bệnh thì phải tẩy trùng dụng cụ, vật dụng của người bệnh bằng dung dịch Cloramin B.

-       Tránh cho trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh: Trong trường hợp môi trường của trẻ có người mắc sởi, cần cho trẻ tránh tiếp xúc để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh sởi. Trong trường hợp nhà có người bị mắc sởi, cần cách ly người bệnh để tránh lây lan cho cộng đồng: Trẻ phải nghỉ học, người lớn phải nghỉ làm 5 ngày kể từ khi bắt đầu phát ban.
                                                               Bác sỹ Đinh Thị Thu Hường
                                                    Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm

0 bình luận
(Bấm vào đây để nhận mã)

Truy cập

Hôm nay:
132
Hôm qua:
250
Tuần này:
1394
Tháng này:
5593
Tất cả:
497615