date
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KIẾM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THANH HÓA

Thanh Hóa với lộ trình loại trừ sốt rét

Đăng lúc: 16:45:21 21/04/2021 (GMT+7)

      Tại Thanh Hoá, công tác phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét đã đạt được các kết quả quan trọng trong giai đoạn vừa qua với số ca mắc giảm liên tục qua các năm. Trong 10 năm gần đây, số người mắc sốt rét giảm dần, từ 4097 người (năm 2011) xuống còn 785 người năm 2015 (giảm 80,8% so vớinăm 2011) và giảm còn 01 BNSR năm 2020 (giảm 99.8% so với năm 2015). Số ký sinh trùng sốt rét từ 108 KST (năm 2011) giảm còn 01 KST (năm 2020) và 100% KST điều là ngoại lai, không có người tử vong do bị bệnh sốt rét, vùng có bệnh sốt rét lưu hành cũng ngày càng  thu hẹp. Theo kết quả phân vùng dịch tễ sốt rét năm 2014, tổng số xã thuộc vùng sốt rét lưu hành là 29 xã, trong đó số xã vùng nặng 02 xã, vùng vừa 17 xã, vùng nhẹ 10 xã ……Theo kết quả phân vùng dịch tễ sốt rét năm 2019 chỉ còn 01 xã trong vùng SRLH, giảm 96.5% so với năm 2014.

Thực hiện kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống và loại trừ sốt rét, hàng năm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thanh Hoá thực hiện chiến dịch phun tẩm hoá chất cho các hộ dân sống trong vùng sốt rét lưu hành. Tổng dân số bảo vệ bằng hoá chất hàng năm khoảng hơn 60.000 người.

Với kết quả như trên, Tỉnh Thanh Hoá đã sớm đạt được mục tiêu về phòng, chống và loại trừ sốt rét với sự quan tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương. Bên cạnh đó là sự tham gia tích cực và mạnh mẽ hơn của cộng đồng và các tổ chức xã hội tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai các hoạt động phòng, chống và loại trừ sốt rét một cách bền vững. Các kỹ thuật về chẩn đoán, điều trị sốt rét đã được cải thiện và đáp ứng yêu cầu, năng lực giám sát phát hiện của hệ thống Y tế đã được nâng cao và bao phủ toàn diện. Đã thực hiện phân vùng dịch tễ sốt rét cho từng huyện, xã. Đây là cơ sở quan trọng cho việc bố trí nguồn lực, lựa chọn các hoạt động ưu tiên và áp dụng các biện pháp can thiệp cần thiết về phòng chống và loại trừ sốt rét phù hợp cho từng vùng để giữ vững thành quả nêu trên.

Ngày 4-1-2017, Bộ trưởng Y tế đã ban hành quyết định phê duyệt lộ trình loại trừ bệnh sốt rét tại Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Lộ trình loại trừ bệnh sốt rét ở mỗi huyện, tỉnh được xây dựng dựa vào các yếu tố như: Tỷ lệ ký sinh trùng sốt rét/1.000 dân số vùng sốt rét lưu hành trong 5 năm, khả năng giám sát, phát hiện, chẩn đoán, điều tra trường hợp bệnh, điều tra phân loại và xử lý ổ bệnh sốt rét, giám sát muỗi truyền bệnh sốt rét.

Loại trừ bệnh sốt rét là không phát hiện trường hợp bệnh sốt rét lan truyền tại chỗ trong ba năm liền tại một khu vực địa lý nhất định (xã, huyện, tỉnh). Theo lộ trình loại trừ bệnh sốt rét được Bộ Y tế phê duyệt, Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 sẽ loại trừ sốt rét do Plasmodium falciparum gây ra và đến năm 2030 sẽ loại trừ hoàn toàn các loài sốt rét trên phạm vi toàn quốc.

Trên cơ sở kết quả công tác phòng chống sốt rét của Thanh Hoá trong những năm gần đây, đặc biệt là các tiêu chí hướng dẫn thủ tục hồ sơ loại trừ sốt rét cho các tuyến. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hoá đã hướng dẫn tuyến huyện, xã thực hiện lập hồ sơ loại trừ sốt rét theo quy định. Cụ thể, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thanh Hoá đã có Quyết định số 990/QĐ-KSBT ngày 23 tháng 9 năm 2020 về việc công nhận đạt loại trừ sốt rét cho 27 huyện, thị xã, thành phố. Và mới đây nhất, Tỉnh Thanh Hoá được Bộ Y tế công nhận đạt loại trừ sốt rét vào năm 2020 (theo Quyết định số 1726/QĐ-VSR ngày 25/12/2020 của Viện sốt rét- KST-CT Trung ương).

Để giữ vững thành quả của công tác loại trừ sốt rét trong toàn tỉnh cần có sự tích cực tham gia của các cấp chính quyền địa phương và cộng đồng. Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về chính sách xã hội, chuyên môn kỹ thuật, tăng cường nguồn lực đầu tư nhằm đưa công tác loại trừ bệnh sốt rét vào chỉ tiêu phát triển của địa phương, đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân đặc biệt người dân sống ở vùng sốt rét về các biện pháp phòng, chống muỗi truyền bệnh làm giảm mắc sốt rét. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả chương trình. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét. Tập trung vào công tác giám sát, điều tra, can thiệp xử lý trường hợp bệnh, ổ bệnh nhằm ngăn chặn và cắt đứt nguồn lây nhiễm ra cộng đồng.

Tại các địa phương ,cần chủ động xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí hằng năm cho công tác phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét, đáp ứng nhu cầu kinh phí cho công tác phòng, chống và loại trừ sốt rét ở địa phương. Tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát nhằm duy trì tình trạng không có sốt rét và ngăn ngừa bệnh sốt rét quay trở lại, tập trung vào việc giải quyết các vấn đề liên quan đến sốt rét ngoại lai.
                                                               Bác sĩ Trịnh Văn Điệp

                                   Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm

                      

0 bình luận
(Bấm vào đây để nhận mã)

Truy cập

Hôm nay:
108
Hôm qua:
239
Tuần này:
1120
Tháng này:
5319
Tất cả:
497341