KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA 90 – 90 - 90
Thanh Hóa là một trong những tỉnh có số lượng người nhiễm HIV/AIDS cao nhất cả nước. Từ ca nhiễm HIV đầu tiên ở huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa vào tháng 11/1995, tính đến 30/9/2019, toàn tỉnh đã phát hiện được 8.337 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 3.835 bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV).
ĐỂ HƯỚNG TỚI KẾT THÚC DỊCH AIDS TẠI THANH HÓA
Mít tinh hưởng ứng tháng hành động Quốc gia Phòng chống HIV/AIDS tại trường THPT Trường Thi - Thành phố Thanh Hóa.
Thanh Hóa là một trong những tỉnh có số lượng người nhiễm HIV/AIDS cao nhất cả nước. Từ ca nhiễm HIV đầu tiên ở huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa vào tháng 11/1995, tính đến 30/9/2019, toàn tỉnh đã phát hiện được 8.337 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 3.835 bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV). Hiện tại, Thanh Hóa đang cùng hành động thực hiện mục tiêu bền vững để hướng tới kết thúc dịch AIDS.
Năm 2014, Việt Nam chính thức cam kết và triển khai các hoạt động hưởng ứng mục tiêu 90-90-90 trong phòng, chống HIV/AIDS. Mục tiêu 90-90-90 được đặt ra gồm các chỉ tiêu 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng virus có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế lây truyền . Năm 2016, Thanh Hóa là một trong 5 tỉnh đầu tiên của cả nước được lựa chọn triển khai Chương trình 90-90-90 được dự án VAAC-US.CDC tài trợ kinh phí. Sau 3 năm triển khai thực hiện (2016-2018) kết thúc chuyển giao của dự án, hệ thống mạng lưới phòng chống HIV/AIDS của Thanh Hóa đã được mở rộng và phát triển có chiều sâu. Đội ngũ cán bộ chuyên môn các tuyến đã được đào tạo và từng bước nâng cao kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ. Hiện có 4.121 người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình đang còn sống quản lý được, trong số đó 3.840 đã được điều trị ARV (92,7% - 90 thứ hai), trong số 2.585 bệnh nhân điều trị ARV làm xét nghiệm tải lượng HIV có 2.398 người điều trị ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế lây truyền (92,7% - 90 thứ ba); 100% các bệnh viện đa khoa tuyến huyện đã thành lập phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS, tiếp nhận, điều trị ARV và kết nối khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế cho người nhiễm. Những tác động của mục tiêu 90-90-90 đã hỗ trợ Thanh Hóa xác định thực trạng HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư, đồng thời góp phần tăng số người nhiễm HIV/AIDS được tiếp cận với điều trị ARV.
Năm 2019, tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận và duy trì các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS từ Dự án VAAC-US.CDC chuyển giao để tự tin tiếp tục hành động hướng tới đạt được mục tiêu 90-90-90 đã đặt ra. Mặc dù nguồn lực giảm một cách đáng kể cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương từ các dự án quốc tế ảnh hưởng lớn đến số xét nghiệm tìm các ca nhiễm HIV mới. Thanh Hóa vẫn tiếp tục kế thừa thành quả quý báu từ các mô hình can thiệp của dự án chuyển giao trong công tác duy trì phát hiện tìm ca, duy trì điều trị ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS và tìm kiếm các giải pháp bền vững trong việc nâng cao chất lượng điều trị kiểm soát tải lượng virus HIV ở mức thấp, dưới ngưỡng phát hiện. Dưới ngưỡng phát hiện đồng nghĩa với việc “Không phát hiện = Không lây truyền”. Thông điệp này dựa trên bằng chứng khoa học và nhấn mạnh rằng một người có HIV nếu tuân thủ điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) tốt và khi đạt tải lượng virus ở ngưỡng không phát hiện được trong máu thì nguy cơ lây truyền HIV sang người khác gần như bằng không.
Thanh Hóa tiếp tục duy trì và đẩy mạnh các hoạt động xương sống, các mô hình triển khai hiệu quả trong các năm trước. Cụ thể là, Công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS vẫn được tăng cường ở ba thời điểm trong năm như: thời gian Tết nguyên đán - Tháng cao điểm khi nhiều người có hành vi nguy cơ cao trong nhân dân về quê ăn Tết; Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (Tháng 6); Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (Tháng 12). Trong công tác tiếp cận tìm ca HIV mới, tiếp tục lập danh sách và cập nhật người có nguy cơ cao là người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm, nam có quan hệ tình dục đồng giới, cộng đồng người chuyển giới, người di biến động đến địa phương làm ăn, đặc biệt là các cặp bạn tình trái dấu (nghĩa là một trong hai người đã nhiễm HIV) tại các xã, phường, thị trấn; động viên, khuyến khích vợ/con/bạn tình của người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị ARV tại các Bệnh viện đa khoa huyện tiến hành tư vấn xét nghiệm HIV định kỳ 6 tháng 1 lần; giao chỉ tiêu hàng tháng cho từng nhân viên tiếp cận cộng đồng tiếp cận giới thiệu người có nguy cơ cao làm xét nghiệm HIV. Tiếp tục áp dụng đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV hiện có như xét nghiệm cố định, xét nghiệm lưu động, xét nghiệm do y tế thôn bản thực hiện trong xét nghiệm phát hiện ca HIV mới đáp ứng thực hiện mục tiêu 90 đầu tiên. Người nhiễm HIV/AIDS được tuyên truyền, được xét nghiệm phát hiện HIV và được tự chọn nơi mình muốn tham gia điều trị. Bên cạnh 18 huyện triển khai cấp phát BKT miễn phí, 27 cơ sở điều trị và 17 điểm cấp phát thuốc thuộc 24 huyện điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, triển khai mới 3 huyện điều trị bằng thuốc Buprenorphine cho người nghiện chích ma túy.
Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm 2019, cả tỉnh ghi nhận có thêm 119 người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, trong đó có 107 người được điều trị ARV. Bên cạnh sự hỗ trợ của các dự án, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS là trọng tâm cần đẩy mạnh, duy trì và phát huy các kết quả đạt được để thực hiện được mục tiêu 90-90-90 và loại trừ AIDS vào năm 2030; cấp kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho tất cả bệnh nhân tham gia điều trị ARV trên địa bàn toàn tỉnh không có điều kiện để mua thẻ.
Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2019, tại Việt Nam và Thanh Hóa đều hướng tới chủ đề “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS”. Đây là thời điểm thuận lợi để lan tỏa các thông điệp phòng, chống HIV/AIDS trong nhân dân: Lợi ích của dự phòng sớm lây nhiễm HIV; Lợi ích của tư vấn xét nghiệm sớm HIV và xét nghiệm định kỳ với nhóm có hành vi nguy cơ cao; Lợi ích của tiếp cận sớm với các dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS... Hành động tuyên truyền nhỏ của mỗi người trong cộng đồng ở Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDSsẽ góp phần đưa Thanh Hóa tiến gần hơn với mục tiêu 90-90-90.
ThS. Lê Trường Sơn
PGĐ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thanh Hóa
- HIỆU QUẢ BƯỚC ĐẦU TỪ VIỆC TRIỂN KHAI MÔ HÌNH XÉT NGHIỆM HIV ONLINE TẠI THANH HÓA
- NHỮNG LƯU Ý KHI SỬ DỤNG PrEP
- CÁC CƠ SỞ ĐIỀU TRỊ DỰ PHÒNG TRƯỚC PHƠI NHIỄM HIV TẠI THANH HOÁ
- Tự làm xét nghiệm HIV tại nhà - Mô hình tiện lợi, chính xác, an toàn, có tính bảo mật cao và hoàn toàn miễn phí
- THANH HÓA TRIỂN KHAI THÁNG CAO ĐIỂM DỰ PHÒNG LÂY TRUYỀN HIV TỪ MẸ SANG CON NĂM 2021
- Người nhiễm HIV tăng nguy cơ mắc và tử vong do COVID-19
- Có 7 thuốc ARV được Quỹ BHYT chi trả trong năm 2021
- Triển khai thí điểm cấp thuốc Methadone tại nhà ở 3 địa phương
- Tổng kết dự án Quỹ toàn cầu HIV/AIDS Thanh Hoá 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021
- Báo cáo kết quả phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam năm 2020