date
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KIẾM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THANH HÓA

ĐÁNH GIÁ MẬT ĐỘ XƯƠNG VÀ CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TÍP 2

Đăng lúc: 16:28:37 29/03/2021 (GMT+7)

Mô tả cắt ngang, 1538 bệnh nhân ĐTĐ típ 2 đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Thanh Hoá từ tháng 4/2019 – 9/2020 được đo MĐX tại vị trí cổ xương đùi (CXĐ) và cột sống thắt lưng (CSTL) bằng phương pháp DEXA.

 

I. TÓM TẮT

Đặt vấn đề: Loãng xương (LX) đang là vấn đề được quan tâm của toàn cầu và đang trở thành một trong những vấn đề sức khỏe lớn của thế kỷ 21. Theo thống kê của WHO đến năm 2050 sẽ có 21% dân số thế giới mắc bệnh này, trong đó 51% nằm ở các nước Châu Á. LX là một bệnh phổ biến nhất hiện nay ở người lớn tuổi, chỉ đứng sau bệnh tim mạch. Có 1/3 số phụ nữ và 1/8 số nam giới trên 50 tuổi có nguy cơ LX. Bệnh gây nhiều hậu quả, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và là nguyên nhân gia tăng tỉ lệ tử vong. Chẩn đoán LX dựa vào đo mật độ  xương (MĐX). Hiện nay, ở Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu (NC) đánh giá LX ở bệnh nhân ĐTĐ típ 2, do đó chúng tôi thực hiện đề tài này nhằm mục tiêu:

1. Đánh giá MĐX ở bệnh nhân ĐTĐ típ 2 bằng phương pháp DEXA.

2. Xác định một số yếu tố liên quan đến MĐX ở bệnh nhân ĐTĐ típ 2.

3. Đề xuất giải pháp hạn chế giảm MĐX ở bệnh nhân ĐTĐ típ 2.

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Mô tả cắt ngang, 1538 bệnh nhân ĐTĐ típ 2 đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Thanh Hoá từ tháng 4/2019 – 9/2020 được đo MĐX tại vị trí cổ xương đùi (CXĐ) và cột sống thắt lưng (CSTL) bằng phương pháp DEXA.

II. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU :

2.1. Mật độ xương trung bình ở CSTL và CXĐ

MĐX ở CSTL của nam là 0.767 ± 0.182 (g/cm2) lớn hơn MĐX ở CSTL của nữ (0.728 ± 0.11 (g/cm2)) (p < 0.05). MĐX ở CXĐ của nam là 0.789 ± 0.143 (g/cm2) lớn hơn MĐX ở CXĐ của nữ (0.749 ± 0.16 (g/cm2)) (p < 0.05). Tính chung cho cả hai giới : MĐX ở CSTL là 0.755 ± 0.151(g/cm2), ở CXĐ là 0.774 ± 0.17 (g/cm2).

2.2. Tỷ lệ giảm mật độ xương và loãng xương.

Tỷ lệ LX chung 13.46%, tỷ lệ giảm MĐX chung 37%. Tỷ lệ giảm MĐX ở CSTL là 25.29%, ở CXĐ là 18.47%. Tỷ lệ LX  ở CSTL là 9.17%, ở CXĐ là 5.14%.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                    2.3. Đánh giá một số yếu tố liên quan đến MĐX và loãng xương

2.3.1 Liên quan giữa giới tính với mật độ xương và loãng xương: Tỷ lệ giảm MĐX ở CSTL của nữ là 28.59% lớn 21.64% của nam (p < 0.05). Tỷ lệ LX ở CSTL của nữ là 10.64% lớn 7.53 của nam (p < 0.05). Tỷ lệ giảm MĐX của CXĐ của nữ là 20.54% lớn 16.16 % của nam (p < 0.05).  Tỷ lệ LX ở CXĐ của nữ là 6.55% lớn 3.56% của nam (p < 0.05). 

2.3.2. Liên quan giữa vòng bụng với mật độ xương và loãng xương: Tỷ lệ giảm MĐX ở nam giới có VB ≥ 90 cm là 4.041% cao hơn 30.82% (ở nam giới có VB < 90 cm), (p < 0.05). Tỷ lệ giảm MĐX ở nữ giới có VB ≥ 80 cm là 44.24% cao hơn 36.52% (ở nữ giới có VB < 80 cm), (p < 0.05). Tỷ lệ LX ở nam giới có VB ≥ 90 cm là 15.75% cao hơn 9.42% (ở nam giới có VB < 90 cm), (p < 0.05). Tỷ lệ LX ở nữ giới có VB ≥ 80 cm là 18.8% cao hơn 12.36% (ở nữ giới có VB < 80 cm), (p < 0.05).  

2.3.3. Liên quan giữa thời gian phát hiện bệnh ĐTĐ với MĐX và LX: Nhóm có thời gian phát hiện bệnh > 5 năm có tỷ lệ giảm MĐX 39.69%  lớn hơn 33.85% so với tỷ lệ giảm MĐX ở nhóm có thời gian phát hiện bệnh ≤ 5 năm (p < 0.05). Nhóm có thời gian phát hiện bệnh > 5 năm có tỷ lệ LX 17.73%  lớn hơn 8.46% so với tỷ lệ LX ở nhóm có thời gian phát hiện bệnh ≤ 5 năm (p < 0.05).

2.3.4 Liên quan giữa đường huyết (ĐH) lúc đói với mật độ xương và loãng xương: Tỷ lệ giảm MĐX ở nhóm ĐH lúc đói kiểm soát tốt là 24.71% thấp hơn 40.15% so với nhóm kiểm soát ĐH kém (p < 0.05). Tỷ lệ LX ở nhóm ĐH lúc đói kiểm soát tốt là 9.23% thấp hơn 14.84% so với nhóm kiểm soát ĐH lúc đói kém (p < 0.05).

2.3.5 Liên quan giữa HbA1C với mật độ xương và loãng xương: Tỷ lệ giảm MĐX 19.32% thấp nhất ở nhóm có HbA1c < 6.5%, cao nhất ở nhóm có HbA1c > 7.5% (48.72%) (p < 0.05). Tỷ lệ LX 8.21% thấp nhất ở nhóm có HbA1c < 6.5%, cao nhất ở nhóm có HbA1c > 7.5% (17.72%) (p < 0.05).

III. BÀN LUẬN :

3.1. Mật độ xương ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2

3.1.1. Mật độ xương trung bình ở cổ xương đùi và cột sống thắt lưng: Qua nghiên cứu 1538 đối tượng ĐTĐ típ 2 chúng tôi thấy MĐX TB ở CSTL là 0.755 ± 0.151 g/cm2 (trong đó MĐX TB ở CSTL của BN nam là 0.767 ± 0.182 g/cm2, BN nữ là 0.728 ± 0.11 g/cm2); MĐX TB ở CXĐ là 0.774 ± 0.17 g/cm2 ; (trong đó MĐX TB ở CXĐ của BN nam là 0.789 ± 0.143 g/cm2, BN nữ là 0.749 ± 0.16 g/cm2) . Kết quả của chúng tôi thấp hơn so với kết quả của M.Yamamoto, T Yamaguchi nghiên cứu tại Nhật năm 2007 ở bệnh nhân ĐTĐ típ 2 có MĐX trung bình ở CXĐ là 0.816 g/cm2, ở CSTL là 0.716 g/cm2, theo NC của Ngô Mai Xuân, Trần Đức Thọ tại Hà Nội: MĐX TB ở CXĐ là 0.83 ± 0.11 g/cm2  và ở CSTL là 0.91 ± 0.11 g/cm2 có lẽ là do cỡ mẫu của chúng tôi lớn hơn nhiều so với các tác giả khác. Nhưng lại tương tự kết quả NC của Đào Thị Dừa ở Huế MĐX TB ở CXĐ là 0.787 ± 0.132 g/cm2  và ở CSTL là 0.75 ± 0.171 g/cm2  so với nhóm chứng không ĐTĐ: MĐX TB ở CXĐ là 0.951 ± 0.154 g/cm2  và MĐX TB ở CSTL là 0.932 ± 0.114 g/cm2  (p < 0.05).

Dian L Chau và Steven V khi nghiên cứu so sánh MĐX bệnh nhân ĐTĐ típ 2 ở Châu Á và Châu Âu ghi nhận rằng MĐX ở bệnh nhân ĐTĐ típ 2 ở Châu Á đều giảm.             

3.1.2. Tỷ lệ giảm mật độ xương, loãng xương: Trong NC của chúng tôi tỷ lệ giảm MĐX ở bệnh nhân ĐTĐ típ 2 là 37% (trong đó giảm MĐX ở CXĐ là 18.47%, giảm MĐX ở CSTL là 25.29%), LX là 13.46% (trong đó LX ở CXĐ là 5.14%, LX ở CSTL là 9.17%. Kết quả của chúng tôi thấp hơn so với NC của Bạch Thị Hoài Dương (2019) tỷ lệ giảm MĐX là 54.3% (giảm MĐX ở CSTL 24.3%, ở CXĐ 38.6%), LX chung là 45.7% (trong đó LX ở CSTL 35.7%, CXĐ 32.9%).  Đào Thị Dừa (Huế) tỷ lệ LX ở CXĐ bệnh nhân ĐTĐ típ 2 là 36.37%, giảm MĐX là 40%; LX ở cột sống là 50%, giảm MĐX ở cột sống là 35%. Nguyễn Thị Nguyên Trang, Nguyễn Hải Thuỷ có đến 31.91% bệnh nhân ĐTĐ típ 2 bị LX. NC của Nguyễn Đình Duyệt có tới 84% bệnh nhân ĐTĐ típ 2 bị LX. Ngô Mai Xuân, Trần Đức Thọ, Đỗ Trung Quân tại Hà Nội tỷ lệ LX ở CXĐ bệnh nhân ĐTĐ típ 2 là 8% và LX ở cột sống là 10%. Trong NC của Shivank Prakash và CS: tỷ lệ LX chung là 43.8% (LX ở cột sống 39.6%), giảm MĐX là 26.05%. Lin Xu (Trung Quốc) : 29 - 31% bệnh nhân ĐTĐ típ 2 bị LX. Yhusao SI (Trung Quốc) 2017 : tỷ lệ LX ở bệnh nhân ĐTĐ típ 2 là 37.8%. NC của Balram Sharma và CS ở Ấn Độ (2015-2016) : tỷ lệ LX ở bệnh nhân ĐTĐ típ 2 là 35.5% (ở CSTL là 33.5%, ở CXĐ là 13.5%). Tỷ lệ giảm MĐX, LX ở CSTL, CXĐ của chúng tôi thấp hơn một số tác giả trong nước và nước ngoài có thể là do lứa tuổi của các NC > 60 chiếm tỷ lệ đa số, đồng thời cỡ mẫu của chúng tôi lại lớn hơn rất nhiều lần so với các NC khác.

3.2. Một số yếu tố liên quan đến mật độ xương

3.2.1. Liên quan giữa tuổi với mật độ xương và loãng xương: Trong NC của chúng tôi : MĐX TB ở CXĐ, ở CSTL giảm dần theo tuổi dẫn đến tỷ lệ giảm MĐX và loãng xương tăng lên theo tuổi. Tỷ lệ giảm MĐX là 7.2%, tỷ lệ LX 5.79% ở nhóm tuổi (40 - 45) là thấp nhất và cao nhất ở nhóm tuổi (56 - 60) 44.28% giảm MĐX, 16.22% LX (p < 0.05). Kết quả của chúng tôi cũng tương tự như NC của Bạch Thị Hoài Dương, Nguyễn Nguyên Trang, Nguyễn Hải Thuỷ tỷ lệ giảm MĐX ở BN ≥ 60 tuổi là 48.94%, LX 27.66% (ngược lại ở nhóm BN dưới 45 tuổi tỷ lệ giảm MĐX 2.13%). Nguyễn Hải Thuỷ (2008) ghi nhận 20 - 30% trên 60 tuổi có triệu chứng LX ở cột sống mà không hề hay biết. Theo Nguyễn Công Hoà (2008), tỷ lệ LX của người trên 45 tuổi tại quận Gò Vấp Thành phố Hồ Chí Minh là 30.4 %. Theo Nguyễn Thị Anh Thư (2006), 19.6 % nữ trong độ tuổi 50 - 70 bị LX, tỷ lệ này tăng lên 58.8 % ở người trên 70 tuổi. Tỷ lệ ở nam cũng tăng lên tương tự. Bạch Thị Hoài Dương (2019) : bệnh nhân ĐTĐ típ 2 (tuổi < 60) : tỷ lệ LX ở CSTL 20.8%, LX ở CXĐ 16.7% thấp hơn có ý nghĩa so với nhóm (tuổi > 60) LX ở CSTL 50%, LX ở CXĐ 43.2%. Lê Thị Huệ ở 113 BN lớn tuổi > 50 ghi nhận tỷ lệ LX ở nhóm 60- 79 là 69.1%, nhóm ≥ 80 tuổi là 80.8%, tuổi càng cao thì tỷ lệ LX càng nhiều. Trong NC của Shivank Prakash và CS : Lứa tuổi (40 - 45) : giảm MĐX 16.6%, LX 16.7%; tuổi (46 - 50) giảm MĐX 33.3%, LX 11.1%; tuổi (51 - 55) giảm MĐX 26.7%, LX 46.7%; tuổi (56 - 60) giảm MĐX 36.6%, LX 45.4%; lứa tuổi > 60 loãng xương 51%. LX là do quá trình lão hoá của tạo cốt bào, làm xuất hiện tình trạng mất cân bằng giữa huỷ và tạo xương, quá trình này gia tăng theo tuổi. Vì vậy tuổi là YTNC của LX ở bệnh nhân ĐTĐ típ 2.

3.2.2. Liên quan giữa giới tính với mật độ xương và loãng xương: Trong NC của chúng tôi : tỷ lệ giảm MĐX ở CSTL nữ là 25.89% cao hơn 21.64% ở nam (p < 0.05). Tỷ lệ LX của CSTL ở nữ 10.64% cao hơn 7.53% ở nam và tỷ lệ giảm MĐX ở CXĐ nữ là 20.54% cũng cao hơn 16.16% ở nam, LX ở CXĐ cũng vậy (6.55% > 3.56% ở nam) (p < 0.05). Khi so sánh MĐX TB ở CXĐ hay CSTL giữa hai giới thì thấy ở lứa tuổi từ 40 - 55 MĐX TB 2 vị trí trên ở nam đều lớn ở nữ (p < 0.05). Nhưng đến độ tuổi từ 56 trở đi thì MĐX TB ở CSTL, CXĐ nam và nữ lứa tuổi 56 - 60 lại khác nhau không có ý nghĩa thống kê (p > 0.05). Theo Nguyễn Thị Anh Thư (2006), 19.6% nữ trong độ tuổi 50 - 70 bị LX, tỷ lệ này tăng lên 58.8% ở người trên 70 tuổi. Tỷ lệ ở nam cũng tăng lên tương tự. Ngô Thị Thu Trang (2009 - 2012) ở BN nữ ĐTĐ típ 2 tỷ lệ LX ở CSTL 62.5%  cao hơn 36.8% so với nam, tỷ lệ LX ở CXĐ 38.5% cao hơn  18.4% so với nam (p < 0.05).  

Lê Thanh Toàn : tỷ lệ LX ở BN nam (30.2%) thấp hơn so với BN nữ (64.8%). Lê Thị Mỹ Linh : tỷ lệ LX ở nhóm BN nam  (30.2%) so với BN nữ (41.8%). NC của Nguyễn Thị Phương Thuỳ ghi nhận tỷ lệ LX ở nữ giới lớn tuổi 66.7%, nam giới lớn tuổi 15.2%. Phụ nữ có nguy cơ LX tiên phát cao gấp 4 lần nam giới, vì khối lượng xương của họ thấp hơn và quá trình mất xương cũng nhanh hơn nam giới do hậu quả của suy giảm chức năng buồng trứng nhanh chóng sau mãn kinh.

3.2.3. Liên quan giữa vòng bụng, BMI với mật độ xương và loãng xương: Kết quả ở cho thấy tỷ lệ giảm MĐX, loãng xương tăng theo vòng bụng ở cả hai giới : Nam VB ≥ 90 cm thì 40.41% giảm MĐX, 15.75% LX; nữ VB ≥ 80 cm thì 44.24% giảm MĐX, 18.8% LX cao hơn so với nam có VB < 90 cm (thì 30.82% giảm MĐX, 9.42% LX) và nữ có VB < 80 cm (thì 36.52% giảm MĐX, 12.36% LX) (p < 0.05).  Trong NC của chúng tôi tỷ lệ giảm MĐX cao nhất ở nhóm BMI < 18.6 (49.55%), xong đến nhóm BMI bình thường (35.87%) và thấp nhất nhóm có BMI ≥ 23 là 27.97% (p < 0.05) tương tự như NC của Trần Thị Nguyên Trang (nhóm BMI < 18.6 (50%), nhóm BMI ≥ 23 là 27.78%. Bùi Công Sỹ, Nguyễn Ngọc Châu:  tỷ lệ LX ở CXĐ 37.21% của nhóm BMI < 23 cao hơn 14.5% của nhóm BMI > 23, tỷ lệ LX ở CSTL 58.14%  cũng vậy cao hơn 30.9% so với nhóm BMI > 23. Tỷ lệ LX của chúng tôi ở nhóm BMI < 18.6 là 25.38%, nhóm BMI ≥ 23  là 14.69%, nhóm BMI bình thường là 8.32% (Bảng 3.3.5) trong NC của Trần Thị Nguyên Trang tỷ lệ này ở nhóm BMI < 18.6 (25%), nhóm BMI > 23 (27.78%), nhóm BMI bình thường (36%). Bạch Thị Hoài Dương (2019) : nhóm thừa cân béo phì tỷ lệ LX ở CSTL là 26.7% thấp hơn (50%) nhóm gầy và bình thường, còn LX ở CXĐ 20% so với 45% ở nhóm gầy và bình thường. Ngô Mai Xuân, Trần Đức Thọ tại Hà Nội và Nguyễn Hải Thuỷ tại Huế cũng cho kết quả tương tự. C. De Laet, J A. Kanis, A. Odén khi khảo sát 60 ngàn người bao gồm nam và nữ tại Anh đã kết luận rằng BMI càng thấp thì MĐX càng giảm và nguy cơ gãy xương càng tăng. Peng Fei Shan, Xian Ping Wu, Hong Zhang; Luo Q, He H Yang L khi nghiên cứu MĐX tại Trung Quốc trên phụ nữ và nam giới  đều đưa đến kết luận BMI giảm sẽ làm giảm MĐX ở cả hai giới nam và nữ. Béo phì liên quan đến sự đề kháng insulin, dẫn đến tăng nồng độ insulin máu, khi nồng độ insulin máu tăng sẽ làm tăng MĐX. Trong NC của Shivank Prakash và CS : ở bệnh nhân ĐTĐ típ 2 BMI < 18.5 thì 100% LX; BMI (18.5 – 24.9) : giảm MĐX 27.8%, LX 63.9%. Nhiều NC trước đây cho thấy BMI cao tương quan với khối lượng xương cao và giảm trọng lượng cơ thể có thể gây mất xương. Cơ chế của sự tương quan này còn chưa rõ ràng mặc dù có một số giả thuyết được đưa ra (khối lượng cơ thể lớn hơn áp đặt một tải trọng cơ học lớn hơn vào xương; tế bào mỡ là nguồn quan trọng sản xuất estrogen ở phụ nữ sau mãn kinh, kháng insulin ở người thừa cân béo phì). Tuy nhiên, gần đây một số nghiên cứu dịch tễ học đã quan sát thấy hiện tượng ngược lại. Nguy cơ LX, thiếu xương và gãy xương ngoài cột sống tăng lên ở những người có tỷ lệ mỡ cao. Một số cơ chế được đề cập đến là tế bào mỡ và tạo cốt bào được sinh ra cùng nhau từ tế bào mầm đa năng; bệnh béo phì có thể làm tăng biệt hoá của tế bào mỡ và tăng tích tụ tổ chức mỡ trong khi đó làm giảm sự biệt hoá của tạo cốt bào và giảm quá trình tạo xương. Bệnh béo phì thường phối hợp với tình trạng viêm mạn tính dẫn đến gia tăng các cytokine tiền viêm (IL1, IL6, TNF-α) được sinh ra từ tổ chức mỡ làm gia tăng quá trình huỷ xương. Hơn nữa, tăng bài tiết Leptin và hoặc giảm bài tiết Adiponectin tế bào mỡ có thể có tác động trực tiếp lên quá trình tạo xương hay gián tiếp đến quá trình huỷ xương thông qua cơ chế điều khiển quá trình sản xuất các cytokine tiền viêm. Nghiên cứu của Zhao và CS cho thấy sau khi điều chỉnh tải trọng cơ học thì khối lượng cao chất béo có ảnh hưởng tiêu cực lên khối lượng xương. Hay khi phân tầng theo khối lượng cơ thể thì thì khẳng định mối tương quan nghịch giữa khối lượng chất béo với khối lượng xương. Nghiên cứu của E.A Greco và CS (2010) cho kết quả : tình trạng thừa cân là trung tính hoặc bảo vệ cho BMD, trong khi béo phì làm giảm MĐX.   

3.2.4. Liên quan giữa thời gian phát hiện bệnh ĐTĐ với MĐX và LX: Kết quả của chúng tôi cho thấy : Tỷ lệ giảm MĐX (33.85%), LX (8.46%) ở nhóm có thời gian phát hiện bệnh ≤ 5 năm thấp hơn tỷ lệ giảm MĐX (39.69%), LX (17.73%) ở nhóm có thời gian phát hiện bệnh > 5 năm (p < 0.05) (Bảng 3.3.7), khác với Ngô Thị Thu  Trang, Nguyễn Thị Phi Nga (2009 – 2012) chưa thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về MĐX và tỷ lệ LX ở hai nhóm nữ ĐTĐ típ 2 có thời gian mắc bệnh  trên và dưới 5 năm (p > 0.05), có thể do cỡ mẫu của NC này còn ít và vấn đề nhớ của BN về mốc thời gian từ khi phát hiện. Trong NC của Đào Thị Dừa (Huế); Ngô Mai Xuân, Trần Đức Thọ (Hà Nội); Nguyễn Hải Thuỷ, Nguyễn Đình Duyệt (Huế). Asano M, Fukui M, Hosoda H nghiên cứu tại Nhật nhận xét rằng không có mối liên hệ nào giữa MĐX và thời gian bị bệnh ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2. Và các tác giả cho rằng sự mất xương và quá trình bị bệnh không hề có mối liên quan nào. Theo A. Rakel, O. Sheehy, E. Rahme cũng có nhận xét tương tự. Mật độ xương liên quan đến chất lượng điều trị hơn là thời gian phát hiện bệnh. Bạch Thị Hoài Dương (2019) : nhóm bị ĐTĐ ≥ 5 năm có tỷ lệ LX ở CSTL (66.7%) và LX ở CXĐ (63.9%) cao hơn nhóm BN có thời gian mắc bệnh < 5 năm (p < 0.05). NC của Lê Thanh Toàn và CS tỷ lệ LX ở bệnh nhân ≥ 5 năm là 50%, nhóm  < 5 năm là 30.8%; Nguyễn Nguyên Trang cũng cho kết quả tương tự tỷ lệ LX ở bệnh nhân ĐTĐ trên 5 năm là 36.18% cao hơn nhóm bị bệnh dưới 5 năm (p < 0.05).  Trong NC của Shivank Prakash và CS: thời gian bị ĐTĐ (0 - 5 năm) thì giảm MĐX 26.3%, LX 21%; thời gian bị ĐTĐ (6 - 10 năm) giảm MĐX 25.6%, LX 46.5%; thời gian (11 - 15 năm) giảm MĐX 30%, LX 50%; thời gian (16 - 20 năm) LX 75%.  Thời gian mắc bệnh kéo dài ở bệnh nhân ĐTĐ típ 2 sẽ có thể gây ra nhiều biến chứng như ảnh hưởng đến quá trình tạo xương và huỷ xương làm gia tăng tỷ lệ LX, ngoài ra các biến chứng của ĐTĐ típ 2 sẽ xuất hiện sau 1 thời gian mắc bệnh như suy thận, tăng đường niệu làm mất can xi qua nước tiểu, là một nguyên liệu chính để tạo xương.

3.2.5. Liên quan giữa đường máu lúc đói với mật độ xương và loãng xương: Kết quả của chúng tôi cho thấy : Tỷ lệ giảm MĐX 24.71%, tỷ lệ LX 9.23% của nhóm kiểm soát ĐH lúc đói tốt thấp hơn tỷ lệ giảm MĐX 40.15%, tỷ lệ LX 14.84% của nhóm kiểm soát ĐH lúc đói chưa tốt (p < 0.05). Bạch Thị Hoài Dương và CS : ở nhóm kiểm soát ĐH lúc đói tốt và chấp nhận được tỷ lệ LX ở CSTL 48.5%, ở CXĐ 42.4% so với 32.4% và 27% ở nhóm kiểm soát ĐH không tốt.Tương tự với NC của Đào Thị Dừa và một số tác giả thấy có sự tương quan nghịch giữa ĐH lúc đói và MĐX. ĐH lúc đói càng cao thì MĐX ở cả hai vị trí càng giảm. Gregorio F, Cristallini S, Santeusanio F cũng có nhận xét tương tự. Rosato MT, Schneider Sh, Shapses SA thấy rằng khi ĐH càng cao làm cho canxi của nguyên bào tạo xương bị giảm sút, bởi giảm nồng độ ostecalcin và hậu quả là MĐX giảm. Holmberg AH, Nilsson JA, Akesson K khi nghiên cứu mối quan hệ giữa ĐH và gãy xương, ghi nhận MĐX có mối tương quan rất chặt chẽ với ĐH. Các NC của Thalassinos NC, Hadjiyanni P, Phillip Raskin, Murei R M, Stevenson cho rằng bệnh nhân có ĐH cao sẽ làm tăng thải canxi ở nước tiểu dẫn đến giảm MĐX và làm tăng nguy cơ LX. S Yamagishi, K Nakamura, H Inoue cho rằng ĐH sẽ làm gia tăng sản phẩm thoái biến đường trong máu dẫn đến cấu tạo xương bị giảm, ảnh hưởng đến chất lượng của xương, kết quả là MĐX giảm và gia tăng tình trạng LX. Còn Sue A. Brown, MD và Julie L nhận xét ĐH cao sẽ làm tăng tính thấm của máu dẫn đến giảm chức năng của tế bào xương kết quả là MĐX giảm và tăng nguy cơ LX. 

3.2.6. Liên quan giữa HbA1c với mật độ xương và loãng xương: Kết quả của chúng tôi cho thấy : Tỷ lệ giảm MĐX 19.32%, tỷ lệ LX 8.21% thấp nhất ở nhóm  có HbA1c < 6.5 %, và cao nhất ở nhóm có HbA1c > 7.5 % tỷ lệ giảm MĐX 48.72%, tỷ lệ LX 17.72% còn ở nhóm HbA1c 6,5 % - 7.5% tỷ lệ giảm MĐX 36.95%, LX 12.45% (p< 0.05). Kết quả này cũng tương tự với NC của Đào Thị Dừa và các tác giả Ngô Mai Xuân, Trần Đức Thọ tại Hà Nội, Nguyễn Hải Thuỷ tại Huế. Tương tự các NC ở nước ngoài của Ippei Kanazawa, Toru Yamaguchi và Laurie J. Moyer- Mileur cũng đều khẳng định có mối tương quan chặt chẽ giữa MĐX và HbA1c. Bạch Thị Hoài Dương và CS : ở nhóm kiểm soát HbA1c và chấp nhận được tỷ lệ LX ở CSTL 41.7%, ở CXĐ 29.2% so với 39.1% và 37% ở nhóm kiểm soát HbA1c không tốt (p > 0.05). Ngô Thị Thu Trang, Nguyễn Thị Phi Nga: tỷ lệ LX ở CSTL 26.1%, ở CXĐ 17.4% ở nhóm kiểm soát và chấp nhận được  so với 91.5% và 55.9% ở nhóm kiểm soát HbA1c không tốt (p < 0.01).

3.2.7. Một số yếu tố nguy cơ khác và mật độ xương:

* Liên quan giữa thói quen uống sữa và các chế phẩm của sữa với MĐX và LX: ở người thường xuyên uống sữa thì MĐX TB ở CXĐ và CSTL đều cao hơn so với người không uống sữa (bảng 3.3.22) và ngược lại tỷ lệ giảm MĐX lại thấp hơn ( 24.95% < 43.38%, p < 0.05), tỷ lệ LX cũng vậy (8.07% < 16.31%, p < 0.05).    

* Liên quan giữa thói quen tập thể dục ≥ 30 phút/ngày với MĐX và LX : ở người thường xuyên tập thể dục thì MĐX TB ở CXĐ và CSTL đều cao hơn so với người không tập thể dục và ngược lại tỷ lệ giảm MĐX lại thấp hơn ( 24.72% < 43.45%, p < 0.05), tỷ lệ LX cũng vậy (7.92% < 16.36%, p < 0.05).                 

Kết quả của chúng tôi cũng tương tự một số tác giả như : Trong NC của Nguyễn Nguyên Trang ở bệnh nhân ĐTĐ giảm MĐX có 45.45% hút thuốc lá, 54.55% uống rượu; còn ở bệnh nhân LX có 46.67% ít hoạt động thể lực. Theo Bùi Nữ Thanh Hằng (2008) : 76.9% bệnh nhân ít vận động bị giảm MĐX. Theo Đặng Hồng Hoa (2008), uống rượu và hút thuốc lá là thói quen xấu có nguy cơ làm giảm MĐX. Thời gian hút thuốc càng dài thì MĐX càng giảm.   

IV. KẾT LUẬN: 

Tỷ lệ giảm MĐX ở bệnh nhân ĐTĐ típ 2 là 37% và LX là  13.46%. Có mối liên quan giữa giảm MĐX, LX với tuổi, giới tính, vòng bụng, BMI, thời gian phát hiện bệnh, glucose máu lúc đói, HbA1c, Insulin, Testossteron, Estradiol, hút thuốc lá, uống rượu.

                                                                                                                                                              Bs.CKII. Hà Khánh Dư

                                                                                                                                                      GĐ Bệnh viện Nội tiết Thanh Hoá

                  

0 bình luận
(Bấm vào đây để nhận mã)

Truy cập

Hôm nay:
36
Hôm qua:
622
Tuần này:
2045
Tháng này:
7857
Tất cả:
491523