date
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KIẾM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THANH HÓA

Khảo sát độc tính trên gan, thận của bệnh nhân ung thư đại trực tràng khi điều trị bằng phác đồ FOLFOX 4 tại khoa Hóa trị và nội ung bướu Bệnh viện Ung bướu năm 2020

Đăng lúc: 16:52:28 11/06/2021 (GMT+7)

Hóa trị là phương pháp điều trị sử dụng các thuốc gây độc tế bào nhằm tiêu diệt các tế bào ác tính trong cơ thể người bệnh ung thư. Điều trị bổ trợ Ung thư đại trực tràng (UTĐTT) đã có rất nhiều phác đồ được áp dụng dựa trên nền tảng của 5FU. Sự ra đời của Oxaliplatin, đã cho phép các thầy thuốc có thêm nhiều lựa chọn hơn phác đồ điều trị phù hợp nhất cho từng bệnh nhân. Trong số các phác đồ đã áp dụng, phác đồ FOLFOX4 tỏ ra có hiệu quả và an toàn hơn cả. Nghiên cứu 108 bệnh nhân ung thư đại trực tràng giai đoạn II, III điều trị sử dụng phác đồ Folfox 4 tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa, có kết quả sau: - Có 26 bệnh nhân có tổn thương gan mức độ nhẹ, 01 bệnh nhân có tổn thương gan mức độ 2; 5 bệnh án bệnh nhân xuất hiện suy giảm chức năng thận giai đoạn 3a, 1 bệnh nhân xuất hiện suy giảm chức năng thận giai đoạn 3b - UTĐTT giai đoạn II, III gặp ở mọi lứa tuổi, chủ yếu ở độ tuổi từ 50-70 tuổi chiếm 65.74%, tuổi mắc trung bình là 59.2 - Tỷ lệ bệnh nhân có khối u ở đại tràng gấp 1.5 lần bệnh nhân có khối u trực tràng. Tỷ lệ bệnh nhân được điều trị hóa chất Folfox 4 ở giai đoạn 3 là cao nhất chiếm tới 66.67%. - Bệnh nhân trong nghiên cứu có thời gian nằm viện theo đợt hóa chất ngắn, trung bình là 5.67 ngày. Bệnh nhân có thời gian nằm viện là 5 ngày chiếm đa số 64.81%. - Tổn thương gan trong nghiên cứu phần lớn xảy ra ở mức độ nhẹ với 26 trường hợp và mức độ trung bình chỉ có 1 trường hợp, không có trường hợp nào xảy ra tổn thương gan mức độ nặng và đe dọa tính mạng. - Trong 6 bệnh nhân gặp biến cố trên thận thì có 5 bệnh nhân mức độ G3a; 1 bệnh nhân ở mức độ G3b. Không có bệnh nhân nào xuất hiện suy thận độ G4, G5.

 

1.    ĐẶT VẤN ĐỀ

Hóa trị là phương pháp điều trị sử dụng các thuốc gây độc tế bào nhằm tiêu diệt các tế bào ác tính trong cơ thể người bệnh ung thư. Điều trị bổ trợ Ung thư đại trực tràng (UTĐTT) đã có rất nhiều phác đồ được áp dụng dựa trên nền tảng của 5FU. Sự ra đời của Oxaliplatin, đã cho phép các thầy thuốc có thêm nhiều lựa chọn hơn phác đồ điều trị phù hợp nhất cho từng bệnh nhân. Trong số các phác đồ đã áp dụng, phác đồ FOLFOX4 tỏ ra có hiệu quả và an toàn hơn cả. Theo kết quả nghiên cứu MOSAIC (2009) trên 2.246 bệnh nhân UTĐTT ở nhiều nước trên thế giới với thời gian theo dõi 3 - 6 năm, đã cho thấy phác đồ FOLFOX4 ưu thế hơn hẳn so với phác đồ 5FU/LV vốn  đã được coi là chuẩn trong điều trị bổ trợ UTĐTT từ những năm trước. Tại thời điểm 3 năm thời gian sống thêm không bệnh của phác đồ FOLFOX4, 5FU/LV lần lượt là 78,2%và 72,6%; tại thời điểm 6 năm thời gian sống thêm không bệnh tương ứng là 73,3% và 67,4%.

Phác đồ hóa trị FOLFOX 4 đã được triển khai tại Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa từ nhiều năm nay, tuy nhiên chưa có một nghiên cứu cụ thể nào đánh giá kết quả của việc sử dụng phác đồ này có gây hại gì cho các cơ quan Gan, Thận. Vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài Khảo sát độc tính trên gan, thận của bệnh nhân ung thư đại trực tràng khi điều trị bằng phác đồ FOLFOX 4 tại khoa Hóa trị và nội ung bướu năm 2020.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

108 bệnh nhân UTĐTT có truyền hóa chất phác đồ FOLFOX 4 tại Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa từ tháng 01/01/2020 đến tháng 30/09/2020.

* Tiêu chuẩn lựa chọn BN được thống nhất:

- Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư.

- Bệnh nhân có chỉ định điều trị hóa chất qua đường truyền tĩnh mạch.

- Bệnh nhân đã truyền tối thiểu 02 đợt hóa chất.

- Có hồ sơ lưu trữ đầy đủ.

* Tiêu chuẩn loại trừ:

- Bệnh nhân không đồng ý tham gia nghiên cứu.

- Không đủ thông tin.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

- Mô tả hồi cứu kết hợp với tiến cứu

3. KẾT QUẢ

3.1. Tuổi, giới:

Nhóm tuổi hay gặp từ trên 60 đến 69 tuổi đạt tỷ lệ 43,52%, nhóm tuổi 50-59 chiếm 22,22%, trên 70 tuổi chiếm 17,6%, dưới 30 tuổi chiếm 8,33%.Tỷ lệ Nam 66,67%, nữ 33,33%.

3.2. Phân bố bệnh nhân theo loại ung thư đại trực tràng

UT đại tràng chiếm 61,11%, UT Trực tràng chiếm 38,89%.

3.3. Phân bố BN theo giai đoạn bệnh

STT

Giai đoạn bệnh

Số lượng

%

1

Giai đoạn 2

13

12.04%

2

Giai đoạn 3

72

66.67%

3

Giai đoạn 4

20

18.52%

4

Chưa xác định

3

2.77%

 

Tổng cộng

108

100%

3.4. Phân bố bệnh nhân theo số lần dùng chu kỳ hóa chất

Số lượng bệnh nhân ở các chu kỳ đầu 1 đến 5 cao hơn các bệnh nhân ở chu kỳ cuối từ 9 đến 12 có thể là do có một số bệnh nhân không theo hết 12 chu kỳ của phác đồ Folfox 4.

Chu kỳ

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Chu kỳ 2

16

14.81

Chu kỳ 3

13

12.04

Chu kỳ 4

12

11.11

Chu kỳ 5

13

12.04

Chu kỳ 6

11

10.19

Chu kỳ 7

7

6.48

Chu kỳ 8

11

10.19

Chu kỳ 9

8

7.41

Chu kỳ 10

7

6.48

Chu kỳ 11

5

4.63

Chu kỳ 12

5

4.63

Tổng

108

100%

3.5. Phân  bố BN theo thời gian nằm viện

Bệnh nhân trong nghiên cứu có thời gian nằm viện theo đợt hóa chất ngắn, trung bình là 5.67 ngày. Bệnh nhân có thời gian nằm viện là 5 ngày chiếm đa số 64.81%. Trên 7 ngày chiếm 8,33%

3.6. Đặc điểm biến cố bất lợi trên gan

Đa số bệnh nhân trong mẫu nghiên cứu có chỉ số men gan ở mức trong giới hạn bình thường của chỉ số xét nghiệm men gan AST ≤ 37 (µmol/lít) và ALT ≤ 40(µmol/lít) với 81 bệnh nhân chiếm 86% trong tổng 108 bệnh nhân đưa vào nghiên cứu. Giá trị AST trung bình là 29,08 trong đó chỉ số thấp nhất là 12 và cao nhất là 145,4. Giá trị ALT trung bình là 28.4 trong đó chỉ số thấp nhất là 6,6 và cao nhất là 153,8.

27 bệnh nhân có bất thường về chỉ số men gan, cụ thể như sau:

Mức độ tổn thương gan

 theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ NCCI

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Mức độ 1 (nhẹ): ALT hoặc ALP >1,0N – 3,0N

26

96,3%

Mức độ 2 (trung bình): ALT hoặc ALP >3,0N – 5,0N

1

3,7%

Mức độ 3 (nặng): ALT hoặc ALP >5,0N – 20,0N

0

0,0%

Mức độ 4 (đe dọa tính mạng): ALT hoặc ALP > 20,0N

0

0,0%

Tổn thương gan trong nghiên cứu phần lớn xảy ra ở mức độ nhẹ ALT hoặc ALP >1,0N – 3,0N với 26 trường hợp chiếm 96,3% và mức độ trung bình chỉ có 1 trường hợp chiếm 3,7%, không có trường hợp nào xảy ra tổn thương gan mức độ nặng và đe dọa tính mạng

3.7.Mức độ biến cố bất lợi trên thận

Đa số bệnh nhân trong mẫu nghiên cứu đều có mức lọc cầu thận ước tính (eGFR) ban đầu theo công thức Cockcroft - Gault có hiệu chỉnh theo diện tích bề mặt cơ thể ở mức > 60 ml/phút/1.73m2 với 102 bệnh nhân (94.44%). eGFR của các bệnh nhân dao động trong khoảng từ 42 đến 138 ml/phút/1.73m2 với giá trị trung bình là 86 ml/phút/1.73m2. Trong đó có 6 bệnh nhân có eGFR ≤ 60  ml/phút/1.73m2 xuất hiện tổn thương thận độ 3a và 3b theo định nghĩa

Mức độ suy thận

Mức lọc cầu thận

(ml/phút/1.73m2)

Số lượng (tỷ lệ %, n=108)

G3a

45 -59

5 (4.63)

G3b

30 - 44

1 (0.93)

G4

15 - 30

0 (0.00)

G5

<15

0 (0.00)

Trong 6 bệnh nhân gặp biến cố trên thận thì có 5 bệnh nhân có mức lọc cầu thận từ 45 – 59 ml/phút/1.73m2 ở mức độ G3a; 1 bệnh nhân có mức lọc cầu thận từ 30 – 44 ml/phút/1.73m2 ở mức độ G3b. Không có bệnh nhân nào xuất hiện suy thận độ G4, G5.

4. BÀN LUẬN.

Chúng tôi nhận thấy UTĐTT giai đoạn II, III gặp ở mọi lứa tuổi, chủ yếu ở độ tuổi từ 50-70 tuổi chiếm 65.74%, tuổi mắc trung bình là 59.2. Từ kết quả phân bố bệnh nhân theo tuổi trên chúng ta thấy rằng lứa tuối > 40 được coi là một yếu tố nguy cơ mắc bệnh. Do vậy trong chương trình khám sàng lọc cần tập trung vào các đối tượng này nhằm phát hiện sớm từ đó điều trị đạt hiệu quả cao hơn.Tuổi trẻ được coi là yếu tố tiên lượng xấu, thường ở lứa tuổi trẻ độ ác tính cao cho di căn sớm, chính vì vậy bênh nhân trẻ nên được thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng đầy đủ, cẩn thận từ đó đánh giá chính xác giai đoạn bệnh và có kế hoạch điều trị và theo dõi đạt kết quả tốt.

UTĐTT thường gặp ở cả 2 giới, trong nghiên cứu của chúng tôi, nam giới chiếm 66.67% cao hơn so với nữ là 33.33%, tỷ lệ nam/nữ là 2, chính vì vậy đối tượng tầm soát, sàng lọc ung thư ĐTT trên đối tượng là nam giới, tuổi từ 40 đổ lên là điều cần thiết.

Trong số bệnh nhân được điều trị bằng phác đồ Folfox 4 thì ở bệnh nhân ở giai đoạn 3 chiếm tỷ lệ nhiều nhất, chiếm gần 2/3 số bệnh nhân điều trị, tức là bệnh nhân hầu như đã có khối u di căn. Việc này cho thấy việc phát hiện sớm ung thư tại Việt Nam và nhất là tại địa phương có nền kinh tế chưa cao như Thanh Hóa thì việc khám sức khỏe nhằm phát hiện sớm ung thư còn chưa được quan tâm, do điều kiện kinh tế còn khó khăn. Hi vọng trong tương lai người dân sẽ quan tâm hơn tới việc khám sức khỏe định kỳ phát hiện sớm bệnh tật, giảm chi phí điều trị cũng như nâng cao tỷ lệ thành công nhờ phát hiện sớm.

Trong quá trình điều trị, số lượng bệnh nhân giảm dần ở các chu kì sau. Số lượng bệnh nhân ở các chu kì 1 đến 5 cao hơn gần gấp đôi so với số bệnh nhân ở chu kì cuối 9 đến 12. Một phần bệnh nhân không theo hết được cả 12 chu kì của phác đồ Folfox 4.

Số ngày nằm viện trung bình của bệnh nhân là 5,67 ngày. Có đến gần 65% số bệnh nhân nằm viện 5 ngày. Thời gian nằm viện ít giúp bệnh nhân giảm một phần chi phí, gánh nặng kinh tế.

Về kết quả biến cố bất lợi trên gan, đa số bệnh nhân trong mẫu nghiên cứu có chỉ số men gan ở mức bình thường. Một phần là do số bệnh nhân điều trị ở các chu kì sau ít hơn chu kì đầu. Việc điều trị theo phác đồ Folfox 4 lâu dài hơn có ảnh hưởng nhiều hơn tới chức năng gan nhiều hơn hay không cần một nghiên cứu chuyên sâu hơn, tuy nhiên nghiên cứu này đã gợi mở cho thấy việc càng ở các chu kì sau có thể men gan sẽ tăng cao hơn các chu kì đầu. Trong số 108 bệnh nhân trong mẫu nghiên cứu chỉ có 27 bệnh nhân có bất thường về men gan, trong đó 26 bệnh nhân ở mức độ nhẹ, không có trường hợp nào ở mức độ nặng cho thấy việc kiểm soát chức năng gan thận trên bệnh nhân trong quá trình điều trị là rất tốt.

Về nghiên cứu biến cố bất lợi trên thận, đa số bệnh nhân có mức lọc cầu thận bình thường, chỉ có một số ít bệnh nhân KDIGO 2012 ở mức độ tổn thương thận độ 3a, 3b làm giảm mức lọc cầu thận trung bình, tuy nhiên những bệnh nhân này có thể tiến triển nặng hơn ở các chu kì điều trị tiếp theo, do đó cần phải theo dõi liên tục trong suốt quá trình điều trị. Việc điều trị theo phác đồ Folfox 4 lâu dài hơn có ảnh hưởng nhiều hơn tới chức năng thận nhiều hơn hay không cần một nghiên cứu chuyên sâu hơn.

5. KẾT LUẬN

Qua nghiên cứu 108 bệnh nhân ung thư đại trực tràng giai đoạn II, III điều trị sử dụng phác đồ Folfox 4 tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi rút ra kết luận sau:

- Có 26 bệnh nhân có tổn thương gan mức độ nhẹ, 01 bệnh nhân có tổn thương gan mức độ 2; 5 bệnh án bệnh nhân xuất hiện suy giảm chức năng thận giai đoạn 3a, 1 bệnh nhân xuất hiện suy giảm chức năng thận giai đoạn 3b

- UTĐTT giai đoạn II, III gặp ở mọi lứa tuổi, chủ yếu ở độ tuổi từ 50-70 tuổi chiếm 65.74%, tuổi mắc trung bình là 59.2

- Tỷ lệ bệnh nhân có khối u ở đại tràng gấp 1.5 lần bệnh nhân có khối u trực tràng. Tỷ lệ bệnh nhân được điều trị hóa chất Folfox 4 ở giai đoạn 3 là cao nhất chiếm tới 66.67%.

- Bệnh nhân trong nghiên cứu có thời gian nằm viện theo đợt hóa chất ngắn, trung bình là 5.67 ngày. Bệnh nhân có thời gian nằm viện là 5 ngày chiếm đa số 64.81%.

- Tổn thương gan trong nghiên cứu phần lớn xảy ra ở mức độ nhẹ với 26 trường hợp và mức độ trung bình chỉ có 1 trường hợp, không có trường hợp nào xảy ra tổn thương gan mức độ nặng và đe dọa tính mạng.

- Trong 6 bệnh nhân gặp biến cố trên thận thì có 5 bệnh nhân mức độ G3a; 1 bệnh nhân ở mức độ G3b. Không có bệnh nhân nào xuất hiện suy thận độ G4, G5.

5. KIẾN NGHỊ

1. Tiếp tục nghiên cứu theo dõi tỷ lệ tai biến, phát hiện tai biến trong sử dụng phác đồ FOLFOX4.

2. Áp dụng rộng rãi truyền hóa chất phác đồ FOLFOX4 cho bệnh nhân ung thư có chỉ định truyền hóa chất tĩnh mạch, tạo sự an toàn thoải mái và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
                                                                                                         
ThS. BSCK II. Trần Văn Thiết - GĐ Bệnh viện  

                                                                                                                   
DS. CKI. Mai Văn Thắng – Phó TK Dược – VTYT


0 bình luận
(Bấm vào đây để nhận mã)

Truy cập

Hôm nay:
6495
Hôm qua:
12800
Tuần này:
19295
Tháng này:
21966
Tất cả:
624669